Những ngày tháng Mười, chúng tôi trở về với bà con buôn làng, những vùng đất cách mạng ở Nam Tây Nguyên, để được hít hà hương mùa màng trong làn gió cuối Thu, để cảm nhận sự chuyển mình trên những vùng đất khó một thời và ngắm nhìn sự bình yên trên những cung đường buôn làng.
Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội |
Lâu rồi mới được trở về với bà con người Mạ, S’Tiêng phía thượng nguồn sông Đồng Nai, miền đất “gian lao mà anh dũng” Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Chẳng định nhớ thời gian, chỉ biết rất thèm mùi hương núi rừng và cây trái ở mảnh đất nghĩa tình. Nắng lên. Gió thượng nguồn lồng lộng, mang theo hương điều quấn quyện trong từng nếp áo, vương vấn từ buôn Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê, Bi Nao đến Bù Gia Rá. Xã Năm xưa, nay mang dáng hình một Đồng Nai Thượng đổi thay đến ngỡ ngàng. “Xã Năm khác xưa nhiều rồi. Đường nhựa đã lên xã, bà con mình không còn sợ mùa mưa nữa. Giờ đây, miền đất anh hùng được kể tiếp câu chuyện phát triển bền vững xã nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân”, Dũng sỹ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi, đảng viên 40 năm tuổi Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, tự hào về miền đất quê hương.
Xã Năm, địa danh mà trước đây khi nhắc đến khiến nhiều người không khỏi giật mình về cái nghèo, cơ cực cả về kinh tế lẫn đường đi. Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Nhấp ngụm nước suối Đạ Roòng mát lành, bà Năm Lôi kể: Cuối những năm sáu mươi thế kỷ trước, vùng này chỉ vỏn vẹn mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, X’Tiêng một lòng theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo đảm an toàn cho cán bộ khu ủy. “Giờ Đồng Nai Thượng không còn “xứ cô đơn” nữa. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ cả, đời sống bà con đã khá giả lên nhiều. Đảng, Nhà nước đã lo toàn vẹn cho dân”, bà Năm Lôi nói.
Quả thật, những ai lâu không tìm về sẽ rất khó nhận ra vùng “ốc đảo” khốn khó của những ngày xưa. Trong cơn gió mùa Thu mát lành, người dân miền đất “gian lao mà anh dũng” đã cảm nhận rõ ràng hơn sự ấm no, đủ đầy. “Bây giờ, đi một vòng quanh các buôn làng mới thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đất này; mới hiểu được sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng Điểu Thị Prợt nói. Qua hơn mười năm xây dựng nông thôn mới thấm mặn mồ hôi, giờ là lúc người Mạ, X’Tiêng được hưởng những “quả ngọt” đầu mùa. Bên những triền núi, nơi có dòng nước mát từ suối Đạ Roòng, Đạ Tơi chảy về, màu xanh cây trái, lúa nước đã thay cho màu cỏ dại; thu nhập bình quân đầu người đã đạt 41 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 3,1%, đó là những con số như mơ.
Xuôi dòng Đồng Nai cuộn đỏ màu đất bazan, ngược phía cao nguyên B’Lao, hương chè và mùi hương cây trái dìu dịu trên đường về xã anh hùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Trong nhà Dài truyền thống người Mạ, già làng K’Diệp kể: “Mình đi làm cách mạng từ năm 1963 cùng với nhiều anh em trong các buôn làng. Chuyện chiến đấu bảo vệ quê hương nhiều lắm, kể không hết đâu. Giờ nói chuyện đổi mới thôi…”. Trong mạch nguồn câu chuyện, già K’Diệp bảo, cách nay chừng mười năm, xã Lộc Bắc còn lắm khó khăn, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ lộc rừng, giờ thì tốt hơn rồi và nghe nói năm nay xã quyết tâm cán đích nông thôn mới.
Rảo bước trên những cung đường trải bê tông, có gắn tên theo số, mới thấy sự đổi thay trên những buôn làng dưới chân dãy Đăng PòtCàl. Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Lộc Bắc K’Tư cho biết, xã vùng sâu, vùng xa này phần lớn là bà con dân tộc bản địa Mạ, K’Ho sinh sống. Được diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự quyết tâm, đồng thuận của xã cùng người dân. Hiện xã đạt 17 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người 39 triệu đồng, gấp hơn ba lần so 5 năm trước. “Xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020 và đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng. Biết là khó, nhưng với truyền thống xã anh hùng, cùng với sự chung sức, đồng lòng mình tin sẽ làm được”, ông K’Tư bày tỏ.
Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương |
Chuyện xưa buôn làng đói cơm thiếu áo, nhưng bà con vẫn cùng thức trắng, lo cho bộ đội từng hạt muối, bát cơm và vẫn bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đó là chuyện mà các già làng Nam Tây Nguyên vẫn tự hào kể lại cho lũ trẻ nghe. Giờ đây, khi buôn làng bập bùng ánh lửa, họ còn kể thêm những chuyện về làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng văn minh, cho con em học hành đỗ đạt… Cách đây 50 năm, tuổi đôi mươi, Cil Ha Nhưng (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) đã tham gia cách mạng, rồi vào bộ đội đến ngày giải phóng. Nghe tôi hỏi chuyện, ông nói: “Kể không hết chuyện của làng kháng chiến này đâu. Giờ bà con mình lo giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng giàu đẹp”.
Thời kháng chiến, tất cả bà con ở các buôn làng Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, KLong KLăn ở vùng căn cứ địa này đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Con gái, con trai biết cầm con dao là biết vót chông; lớn hơn thì cầm súng vào du kích hoặc vào bộ đội; người già thì lên nương trồng tỉa để lấy lương thực nuôi quân. “Ồ, chuyện xưa nhiều lắm, không kể hết. Giờ khác rồi, mình đang sống trên xã nông thôn mới mà…”, già làng Ha Brai cười mãn nguyện. Theo Bí thư Đảng ủy xã Kơ Đơng Ha Quyên, dân số Đạ Chais khoảng hai nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 83%. Hiện cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 41 triệu đồng. Và điều quan trọng, Đạ Chais giờ không còn là “ngõ cụt”, Quốc lộ 27C ngang qua, đã tạo cho vùng đất anh hùng này thế phát triển mới.
Lâm Đồng có 43 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 24%. Trên dải đất từ Đồng Nai Thượng đến cao nguyên Langbiang, có 14 xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và nhiều “địa chỉ đỏ”. Thời binh lửa đã lùi vào dĩ vãng, lịch sử đã khắc ghi. Giờ đây, trên những vùng căn cứ xưa, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đang tiếp nối mạch nguồn cách mạng, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tại Lâm Đồng hơn 3.700 tỷ đồng; thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư khá đồng bộ, tất cả các xã có đường kiên cố đến trung tâm, có trạm y tế, 100% số thôn được dùng điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 4,8%. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương; Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bày tỏ.
Tháng Mười, gió cao nguyên lồng lộng. Chia tay những miền đất anh hùng, vùng căn cứ xưa, mang theo biết bao cảm xúc tươi mới. Những vùng đất ngày xưa nhuốm màu cỏ úa, giờ đã dệt những miền xanh thanh bình và ấm áp.
Theo MAI VĂN BẢO (baolamdong)