(GLO)- Sáng 9-8, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chính thức diễn ra với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Trải qua 120 phút làm bài, hầu hết thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm. Đề thi được đánh giá khá “dễ thở”, bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa và gần gũi với cuộc sống. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn phòng dịch cũng được các điểm thi đặt lên hàng đầu.
Thí sinh phấn khởi
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên tại 37 điểm thi trên toàn tỉnh, từ khá sớm nhiều phụ huynh đã đưa con em mình đến điểm thi để chuẩn bị cho môn thi đầu tiên của kỳ “vượt vũ môn”. Bà Nguyễn Thị Thu (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) bộc bạch: “Nhà ở xa nên tối hôm qua tôi đã sắp xếp giấy tờ của con, khẩu trang, phương tiện... để đến điểm thi sớm giúp con có cảm giác thoải mái, không cập rập. Vừa tới điểm thi tôi đã thấy cán bộ y tế trực, đo thân nhiệt cho các cháu; xịt nước rửa tay sát khuẩn trước khi vào điểm thi. Do đó, tôi cũng bớt lo lắng khi con phải tham gia một kỳ thi quan trọng vào mùa dịch bệnh”.
Phụ huynh đọc báo cập nhật thông tin trong thời gian đợi con thi. Ảnh: Nguyễn Giang |
Kết thúc 120 phút làm bài tự luận, đa số thí sinh có tinh thần thoải mái, phấn khởi khi đề Ngữ văn được cho là “dễ thở”. Sự phấn khởi hiện lên trong ánh mắt nhiều thí sinh.
Theo em Thủy Thị Thu Thủy (trái)-thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) đề thi Ngữ văn bám sát chương trình học và có nội dung khá hay. Ảnh: Hồng Thi |
Tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku), em Thủy Thị Thu Thủy vui vẻ bước ra khỏi phòng thi. Thủy phấn khởi chia sẻ: Khi đọc đề thi, em rất vui vì cảm thấy tương đối vừa sức với bản thân, bám sát chương trình sách giáo khoa mà chúng em đã được ôn luyện khá kỹ. Em và các bạn cũng khá thích nội dung đề thi năm nay khi hướng về vấn đề “phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày”, “sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” như chính nhận định của tác giả Inamori Kazuo trong đoạn trích ở phần đọc hiểu; phần làm văn cũng rất hay khi đề cập đến tư tưởng “đất nước là của nhân dân” trong đoạn thơ ở bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Em làm được khoảng 95% và khá thoải mái tinh thần để bước vào môn thi tiếp theo vào chiều nay.
Em Nguyễn Thị Ái Vy-thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa)-vui vẻ nói: “Em rất phấn khởi vì đã vượt qua môn thi đầu tiên khá nhẹ nhàng. Em tự tin có thể đạt từ 8 điểm Ngữ văn trở lên. Đăng ký xét tuyển khối D nên em rất mừng vì bài Ngữ văn đạt kết quả như mong muốn”.
Tuy phải nhập viện mổ u nang trước kỳ thi 4 ngày nhưng em Bùi Thị Thùy Trang-điểm thi Trường Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê)-vẫn làm bài Ngữ văn rất tốt, tạo bước đệm tinh thần cho những môn thi tiếp theo. Trang tâm sự: “Em thấy đề thi năm nay rất vừa sức với lực học của em. Em làm tốt cả phần đọc hiểu và phần làm văn nên khá tự tin với điểm số trên 7”. Đề thi bám sát chương trình học cũng là nhận định của thí sinh Rơ Châm Thư tại điểm thi Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Pah). “Em thấy khá thoải mái khi đọc xong đề thi. Những kiến thức trong đề chúng em đã được thầy cô ôn tập nhiều lần”-Rơ Châm Thư nói.
Tuy chỉ có lực học trung bình ở bộ môn này nhưng em Rơ Mah Bước-điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) cũng rất vui vẻ, tự tin: “Với đề văn sát với chương trình, nhiều nội dung đã được thầy cô ôn tập nên em đã làm được khoảng 60%. Sau khi kỳ thi này kết thúc, em sẽ đăng ký đi học nghề may nên em không bị áp lực về điểm số. Do đó, em cảm thấy thoải mái tham dự kỳ thi”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Pah) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Ngọc Thu |
Trao đổi với P.V, cô Chu Thị Thu Hà-giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Pah) nhận định: “Cấu trúc đề không thay đổi so với năm thi trước, đề ra sát với kiến thức học sinh đã được ôn tập. Nhìn chung, đề thi Ngữ Văn năm nay vừa phải, không quá khó, không đánh đố học sinh nhưng đòi hỏi các em phải có khả năng phân tích, lý luận chặt chẽ. Đề thi vẫn đảm bảo sự phân hoá rõ ràng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Học sinh có học lực trung bình vẫn có thể đạt được 5-6 điểm”.
Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Do đó, song song với việc đảm bảo mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, công tác phòng-chống dịch cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đặt lên hàng đầu. Ở tất cả các điểm thi, thí sinh đều được đo thân nhiệt, xịt dung dịch rửa tay sát khuẩn và yêu cầu đeo khẩu trang trước khi bước vào phòng thi.
Xịt nước rửa tay sát khuẩn cho thí sinh trước khi vào điểm thi. Ảnh: Hồng Thi |
Cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó trưởng điểm thi Trường THPT Pleiku-cho biết: Kỳ thi năm nay, điểm thi Trường THPT Pleiku có tổng cộng 655 thí sinh, trong đó có 45 thí sinh tự do. Để thực hiện công tác phòng dịch, ngoài 28 phòng thi chính thức, điểm thi cũng bố trí thêm 2 phòng thi dự phòng; chuẩn bị đầy đủ dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và 5 máy đo thân nhiệt; bố trí phòng y tế với đầy đủ cơ số thuốc cần thiết... và tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng dịch cho thí sinh cũng như phụ huynh.
Lực lượng thanh niên tình nguyện có mặt tại từng điểm thi cũng đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và người nhà trong việc tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, trong đó có việc cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Chị Rơ Lan Kaih (làng A, xã Gào, TP. Pleiku)-phụ huynh em Rơ Lan Nga (lớp 12C10, Trường THPT Lê Lợi)-cho hay: “Hơn 6 giờ sáng, tôi đã chở con đến điểm thi để con thong thả giờ giấc. Tuy hơi lo lắng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng khi đến và thấy công tác phòng dịch ở đây khá tốt nên tôi cũng phần nào yên tâm. Các bạn thanh niên tình nguyện cũng hướng dẫn tôi cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tôi dự định chiều nay sẽ bàn với gia đình mua điện thoại thông minh để cài đặt ứng dụng hữu ích này”.
Các thí sinh nhận suất ăn trưa miễn phí tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê). Ảnh: Ngọc Sang |
Ngoài ra, công tác “Tiếp sức mùa thi” cũng được lực lượng thanh niên các địa phương tập trung thực hiện. Anh Nay Winh-Phó Bí thư Huyện đoàn Chư Sê-thông tin: “Để chuẩn bị cho công tác tiếp sức mùa thi năm nay, Huyện đoàn đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí trang bị các vật dụng cần thiết hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh. Trong 2 ngày thi, chúng tôi chuẩn bị 218 suất ăn miễn phí cho 3 bữa sáng, trưa, chiều; hơn 500 khẩu trang; 50 lít nước sát khuẩn rửa tay; gần 2.000 chai nước uống. Đồng thời, chúng tôi thành lập 4 đội với hơn 50 tình nguyện viên luôn túc trực tại 3 điểm thi trên địa bàn huyện để làm công tác hướng dẫn phụ huynh cài đặc ứng dụng Bluezone, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, rửa tay sát khuẩn cho các thí sinh”.
Lực lượng thanh niên tình nguyện chào đón, cổ vũ tinh thần thí sinh sau khi môn thi đầu tiên kết thúc. Ảnh: Nguyễn Giang |
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, trong môn thi đầu tiên, 37 điểm thi trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác phòng-chống dịch Covid-19; không ghi nhận trường hợp thí sinh, giám thị liên quan đến Covid-19. 31 thí sinh trở về từ vùng dịch có kết quả xét nghiệm âm tính thi chung với tất cả các thi sinh khác trong kỳ thi lần này. Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn (thị xã Ayun Pa) có 1 giám thị coi thi bị đau dạ dày và 1 nhân viên bảo vệ tăng huyết áp. Hiện, sức khỏe của 2 người này đều đã ổn định.
Thông tin từ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo), toàn tỉnh có 13.189 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ văn, tuy nhiên chỉ có 13.136 thí sinh dự thi, vắng 53 em; không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. |
Chiều nay, các thí sinh sẽ tiếp tục Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với môn Toán học. Báo Gia Lai điện tử sẽ thông tin kịp thời đến quý bạn đọc.
Nhóm P.V