(GLO)- Ngày 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) cho rằng tự chủ đại học là xu thế tất yếu toàn cầu, là điều kiện quan trọng trong các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải thiện, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo một cách thực chất, là cơ hội để các trường nâng cao đẳng cấp, thứ bậc và danh tiếng. Việc mở rộng phạm vi tự chủ và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học là cấp thiết. Công tác giáo dục hiện nay theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế mà Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Vũ Định |
Theo Đại biểu Đinh Duy Vượt, để tránh Hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, không thực quyền, nhất là chức danh chủ tịch Hội đồng trường... thì cấp ủy trong trường Đại học phải thực sự đi đầu trong đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Do đó, đề xuất quy định Bí thư Đảng ủy là chủ tịch Hội đồng trường trong trường công lập là vừa thực hiện đúng nghị quyết của Đảng đồng thời quyền hạn lớn đi cùng với việc chịu trách nhiệm lớn, đương nhiên sẽ khắc phục tính hình thức, hoặc lạm dụng, tha hóa quyền lực trong tự chủ, nhất là tránh xung đột giữa nghị quyết của cấp ủy và các Quyết định của hội đồng trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho Hiệu trưởng năng động, sáng tạo quyết liệt trong điều hành đúng quy định của pháp luật, nghị quyết của Đảng và các quyết định của hội đồng trường.
Đối với tiêu chuẩn, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn chủ tịch Hội đồng trường, cần đưa ra những tiêu chí định lượng, ví dụ như chủ tịch phải là là Giáo sư Tiến Sĩ, Phó Giáo sư Tiến Sĩ, Tiến Sĩ có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học ít nhất cũng từ 5 năm trở lên, không nên chung chung, định tính như trong dự thảo, có thể là kẽ hở bầu ra chủ tịch Hội đồng trường không tương xứng, hình thức.
Về quy định Chủ tịch Hội đồng trường sử dụng bộ máy tổ chức, con dấu của trường ... cũng cần xem lại, quy định như thế có chính danh không, có tương xứng với quyền lực trách nhiệm được luật giao không. Quy định như trên dường như Hội đồng trường là tổ chức phụ thuộc, Mà đã phụ thuộc thì không bao giờ thực quyền.
Cũng như quy định về thành viên Hội đồng trường cần xem xét, không nên quy định tối thiểu là 15 thành viên, theo đại biểu nên quy định tối đa là 21 thành viên nhằm tránh sự tùy tiện và các vấn đề khác phát sinh. Nên quy định thành viên bên trong trường là 50% thay vì 25% thì sẽ bầu được nhiều thành viên năng lực, am hiểu sâu các lĩnh vực tự chủ, tham gia xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển của trường, sẽ giám sát chất lượng hiệu quả và chủ động được trong họp hành, đồng thời phải do hội nghị toàn trường bầu, chứ không nên quy định do hội nghị đại biểu bầu nhằm đảm bảo tính dân chủ cao nhất.
Đối với quy định tỉ lệ thành viên ngoài trường tham gia và Hội đồng trường, đề nghị tỷ lệ cao nhất là 20% và cũng do hội nghị toàn trường bầu để chọn thành viên ngoài trường thực sự là những tinh hoa, thà ít mà chất. Sự tham gia của thành viên bên ngoài vào hội đồng trường là cần thiết.... Tuy nhiên họ lại không sâu sát, thậm chí không có chuyên môn hoặc các nhà quản lý không có nhiều thời gian với hoạt động của trường sẽ khó khăn trong việc đưa ra những quyết định hợp lý. Đối với quy định nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình là không thực tế vì thành viên chỉ tham gia chứ không có cơ chế quyết định vì vậy nên bỏ quy định này. Quy định chịu sự giám sát của xã hội, của các cá nhân và tổ chức trong trường quy định như trên thể hiện tính dân chủ tuy nhiên lại chung chung không rõ chủ thể giám sát, hình thức giám sát, và đương nhiên là hình thức.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh việc tự chủ đại học phải đi kèm với trách nhiệm giải trình như các trường đại học trên thế giới, tự tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chí, tiêu chuẩn nhà nước quy định, các tổ chức kiểm định độc lập uy tín trong và ngoài nước kiểm định theo yêu cầu của đơn vị hoặc của nhà nước. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng quyết định đẳng cấp, thứ bậc danh tiếng, sự tồn tại phát triển của cơ sở giáo dục đại học và ngược lại. Thực tiễn chứng minh qua kiểm định, xếp thứ hạng chất lượng giáo dục đại học của nước ta vừa qua đã minh chứng các trường tốp đầu đều được xã hội, người sử dụng lao động, sinh viên, phụ huynh tin tưởng đánh giá cao. Chính vì vậy các quy định tại điều 52 phải rất chặt chẽ, cần bổ sung quy định về quy trình kiểm định chất lượng giáo dục trong luật này:
Theo đó nhà nước ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn thuyết phục, lượng hóa được bộ tiêu chí, số liệu phải minh bạch và được cộng đồng các trường đại học thống nhất cao - quy trình chặt chẽ, khoa học công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó: Các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập được nhà nước thành lập, kiểm định chất lượng giáo dục đại học dựa trên các chuẩn này và chịu trách nhiệm kết quả kiểm định trước pháp luật. Đây cũng là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học tổ chức các giải pháp, hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo khẳng định thứ bậc, thương hiệu trường mình. Đồng thời, Nhà nước đưa ra các quyết định công nhận thứ bậc của cơ sở giáo dục đại học và các chế tài tương ứng kèm theo.
Về quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) và theo Điều 7 của Luật đầu tư. Như vậy chỉ có văn bản Luật và Nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng gồm các điều kiện gì, chu kỳ kiểm định, kiểm định đột xuất, kiểm định bắt buộc “tiền kiểm” hay “hậu kiểm”, và trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động ra sao, có thuộc thẩm quyền của bộ giáo dục đã quy định trong dự thảo luật này không cần được xem xét quy định rõ.
Về Quản lý tài chính và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học đại biểu đồng ý với điều 67 khoản 1; Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý sử dụng theo nguyên tắc; quản lý sử dụng tài sản công phải bảo toàn, phát triển phù hợp với môi trường giáo dục như kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên đối với khoản 2 về tài sản, quyền sử dụng đất nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục dường như lỏng lẻo hơn, theo đó được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, đối với tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất) trên nguyên tắc bào toàn và phát triển. Từ quy định này sẽ dễ bị lạm dụng trong sử dụng, có thể ảnh hưởng tới môi trường giáo dục. Để dễ bề chi phối vì tư lợi, hoặc lợi ích nhóm. Những bài học về doanh nghiệp Nhà nước vẫn nguyên giá trị sâu sắc với các trường đại học công lập tự chủ, bởi vì bản chất nội hàm trong quản trị nhất là tự chủ về tài chính là khá tương đồng với quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Vũ Định