Nhiều người trong chúng ta bị sưng phù mắt cá chân ít nhất một lần trong đời. Có rất nhiều nguyên nhân gây sưng phù mắt có chân, từ bong gân nhẹ đến các bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng.
Những chấn thương như trẹo cổ chân sẽ gây bong gân và kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể, khiến mắt cá chân bị sưng phù, theo Medical News Today.
Đau mắt cá chân có thể là do bong gân nhưng cũng có thể do bệnh tiềm ẩn. Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Dù bong gân gây khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày nhưng chúng sẽ tự khỏi sau vài ngày. Các phương pháp điều trị như nghỉ ngơi, chườm đá có thể giúp giảm sưng, đau hiệu quả.
Ngoài chấn thương thì mang giày dép không phù hợp hay đứng, ngồi lâu cũng có thể gây sưng phù mắt cá chân. Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc huyết áp, tiểu đường, chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ngừa thai chứa estrogen cũng có thể làm mắt cá chân bị sưng phù. Ngoài ra, sưng mắt cá chân kèm theo biểu hiện da đỏ và ấm thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến các tĩnh mạch bị giãn nở, đặc biệt là ở chân. Trọng lực sẽ khiến máu và chất lỏng trong cơ thể tích tụ ở các tĩnh mạch chân và các mô xung quanh, khiến cẳng chân và mắt cá chân bị phù. Tình trạng này khiến máu khó lưu thông từ chân trở ngược lại tim. Nguyên lý tương tự này cũng đúng ở những người bị sưng phù chân do suy tĩnh mạch mạn tính, theo Healthline.
Sưng phù cẳng chân và mắt cá chân cũng có thể do các căn bệnh mạn tính gây ra như bệnh thận mạn tính và bệnh gan.
Một trong những chức năng của thận là lọc máu và đào thải chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể. Ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, thận không hoạt động đầy đủ nên chất độc và chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể. Tình trạng này sẽ khiến chân và tay bị sưng phù.
Trong khi đó, nhiều loại bệnh gan có thể dẫn đến sưng mắt cá chân và cẳng chân. Gan là cơ quan chính sản xuất protein albumin. Albumin có tác dụng giữ chất lỏng trong máu, giúp chất lỏng không rò rỉ qua các mô xung quanh. Nếu chức năng sản xuất albumin của gan bị ảnh hưởng thì sẽ gây phù chân, mắt cá chân và bụng.
Nếu mắt cá chân bỗng dưng bị sưng phù mà không phải do chấn thương thì người bệnh hãy đến gặp bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời, theo Medical News Today.
Theo NGỌC QUÝ (TNO)