Dâu tây Đà Lạt và hồng Đà Lạt được cấp chứng nhận bảo hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên, 26 doanh nghiệp và nông hộ được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt”.
Du khách trải nghiệm trong vườn dâu tây Đà Lạt ẢNH: LÂM VIÊN
Du khách trải nghiệm trong vườn dâu tây Đà Lạt ẢNH: LÂM VIÊN

Ngày 3.7, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức lễ công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”, “Hồng Đà Lạt” và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu bảo hộ cho 26 doanh nghiệp, hộ gia đình đợt đầu tiên. Trong số đó, 10 đơn vị nhận chứng nhận bảo hộ "Dâu tây Đà Lạt", 16 đơn vị nhận chứng nhận bảo hộ "Hồng Đà Lạt".

10 doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tiên được cấp quyền sử dụng chứng nhận
10 doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tiên được cấp quyền sử dụng chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" Ảnh: LÂM VIÊN
Trước đó, ngày 15.5.2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt” cho UBND TP. Đà Lạt.
Việc cấp nhãn hiệu cho hai loại đặc sản này nhằm từng bước nâng cao giá trị, bảo vệ thương hiệu, xây dựng hình ảnh nông sản đặc trưng của Đà Lạt trước tình trạng nông sản cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt từ nhiều năm qua.
“Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt” là nhãn hiệu chứng nhận áp dụng cho sản phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.Đà Lạt và các huyện lân cận. Đây là nhãn hiệu được đăng ký độc quyền trong nước, đáp ứng các tiêu chí về bản đồ vùng chứng nhận và chất lượng.
Dâu tây Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ Cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền ẢNH: LÂM VIÊN
Dâu tây Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ Cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền ẢNH: LÂM VIÊN
Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, diện tích dâu tây Đà Lạt dao động 120 – 130 ha, được trồng ở độ cao từ 1.400 m đến 1.535 m so với mực nước biển, tổng sản lượng bình quân khoảng 1.500 tấn/năm, chưa kể dâu tây được canh tác ở H.Lạc Dương lân cận. Trước đây, thời vụ trồng dâu tại Đà Lạt vào khoảng tháng 8, 9, mùa thu hoạch chính từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với năng suất bình quân chỉ 7 - 10 tấn/ha. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, nông hộ nhập giống mới, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2 - 3 lần và có thể trồng quanh năm.
Chế biến hồng ăn trái theo công nghệ Hàn Quốc tại Đà Lạt ẢNH: LÂM VIÊN
Chế biến hồng ăn trái theo công nghệ Hàn Quốc tại Đà Lạt ẢNH: LÂM VIÊN
Hồng ăn trái tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn, chủ yếu được trồng tại các phường 3, 4, 5, 7, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành. Ngoài ra, hồng trái còn được trồng nhiều ở các huyện phụ cận Đà Lạt như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.
Sản phẩm hồng Đà Lạt được cấp chứng nhận bảo hộ ẢNH: LÂM VIÊN
Sản phẩm hồng Đà Lạt được cấp chứng nhận bảo hộ ẢNH: LÂM VIÊN
Trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện sản phẩm hồng và dâu tây nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn cho người tiêu dùng khi phân biệt hồng và dâu tây Đà Lạt với hồng TQ. Chính vì lẽ đó, UBND TP.Đà Lạt làm thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu độc quyền bảo hộ  “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt”.
Theo Lâm Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm