Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ, phải chăng công trình có chất lượng kém?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như Gia Lai điện tử ngày 15-10 thông tin, đập thủy điện Đakrông 3 thuộc địa bàn xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vỡ toang không chỉ ảnh hưởng đến người dân trong vùng mà còn gây hoang mang dư luận. Thế nhưng, thật khôi hài khi phóng viên Báo Gia Lai điện tử và phóng viên một số báo đài Trung ương tại Quảng Trị đến gặp những người đứng đầu đơn vị đầu tư công trình là Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn lại nhận được mọi lý do biện minh cho sự cố vỡ đập theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Đặc biệt, khi chúng tôi đi thực tế mới thấy hết sự thật phơi bày của một công trình chất lượng kém đã và đang phải đảm nhận nhiệm vụ “khóa nhốt” hàng triệu mét khối nước của sông Đakrông cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn về hạ lưu.

 Đập thủy điện Đakrông 3 vừa bị toang vào ngày 7-10 (ảnh do người dân chụp bằng điện thoại cung cấp).
Đập thủy điện Đakrông 3 vừa bị toang vào ngày 7-10 (ảnh do người dân chụp bằng điện thoại cung cấp).

Ông nói gà, bà nói vịt

Lần theo cáo buộc: “Là dối, lấy cát sạn tại chỗ rất bẩn để làm, không đảm bảo” mà Bí thư Huyện ủy Đakrông Trần Quang Chiến nói về vật liệu xây dựng công trình thủy điện Đakrông 3, phóng viên Báo Gia Lai điện tử cùng một số phóng viên báo đài Trung ương thường trú tại Quảng Trị có mặt tại hiện trường thân đập vỡ của thủy điện Đakrông 3. Quan sát, những khối bêtông khổng lồ vỡ ra từ thân đập trôi xuống hạ lưu nơi xa nhất chừng vài trăm mét. Bên ngoài những khối bêtông này lòi ra lưa thưa những que sắt, loại lớn nhất có phi 16, những que sắt này không có dấu bị kéo đứt, gãy mà đa số vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, những mảng bêtông bị bể ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi..., một số nơi có thể dùng tay bẻ bêtông vẫn rời ra từng cục. Ngay dưới chân thân đập - nơi chỉ chịu áp lực nước xối từ trên cao xuống, bêtông cũng bị xói trôi nhiều đoạn, lòi ra những que sắt nhỏ. Còn ngay tại vị trí đáy đập, nơi phần nổi của đập vừa bị cuốn trôi hôm 7-10, cũng chỉ thấy lòi lên những que sắt loại nhỏ.
 

Những khối bê tông bị từ thân đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ trôi xuống hạ lưu. Ảnh: Bùi Oanh
Những khối bê tông bị từ thân đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ trôi xuống hạ lưu. Ảnh: Bùi Oanh

Thế nhưng, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn (có trụ sở tại Đồng Hới, Quảng Bình) làm chủ đầu tư công trình thủy điện Đakrông 3 lại cho rằng: “Thân đập thủy điện Đakrông 3 được xây dựng theo công nghệ đập tràn piano của Pháp và phần bị vỡ chỉ là phần vách tường tạm để tích nước phục vụ việc vận hành thử. Ngày 12-9, chúng tôi tích nước và đến ngày 25-9 khi đã xong việc vận hành thử, chúng tôi cho công nhân tự đập vỡ vách tường tạm này. Chúng tôi không có thiệt hại nào cả”. Trái lại, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn khi làm việc Đoàn lãnh đạo UBND tỉnh do ông Trần Văn Tuấn, Phó Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đến kiểm tra thực tế sự cố vỡ đập thủy điện Đakrông 3 vào ngày 13-10, lại cho rằng: “Hai khoang tràn dài khoảng 20m, cao 6m bên trên đập chính nhà máy thủy điện Đakrông 3 bị vỡ vào sáng 7-10. Nguyên nhân tạm thời được xác định do trong quá trình thi công hoàn thiện hạng mục nói trên, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy và mưa lũ lớn đã xảy ra sự cố trên. Thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng và ảnh hưởng tài sản, hoa màu của 13 hộ dân trong lòng hồ chưa được đền bù di dời” - Ông Hải nói.

Thủy điện Đakrông 3 được khởi công từ tháng 11-2010 với tổng vốn hơn 210 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn (có trụ sở tại Đồng Hới, Quảng Bình) làm chủ đầu tư, Công ty Tân Hoàn Cầu thi công, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện Thái Bình Dương thiết kế. Theo thiết kế, thủy điện này có 2 hạng mục chính: Phần trạm biến áp nâng gồm 2 MBA 5,6MVA-6,3/38,5kV; phần nhà máy gồm 2 tổ máy phát, mỗi tổ có công suất lắp đặt 4 MW. Điều này đồng nghĩa, đập thủy điện Đakrông 3 tích nước phát điện phải làm đảm nhận nhiệm vụ “khóa nhốt” hàng triệu mét khối nước của dòng sông Đakrông cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn về hạ lưu.

Vừa thi công, vừa tích nước phát điện

Một tuần trôi qua kể từ ngày đập thủy điện Đakrông 3 xảy ra sự cố vỡ đập, người dân nơi đây vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Bà Hồ Thị Thơm, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nhớ lại: sáng sớm 7-10, lúc chị cùng hai con nhỏ chuẩn bị xuống suối để đãi vàng thì ầm một tiếng, sau đó là nước ào ạt đổ về kéo theo những mảng bêtông và cuốn phăng mọi thứ. Trong phút chốc, nước suối cuồn cuộn dâng lên đến gần mép vườn nhà tui. Mấy đứa nhỏ đang định xuống suối thì giật bắn mình chạy ngược lên lại, may còn kịp thoát thân.
 

Bà con dân tộc tìm kiếm sắt xuất lộ từ những khối bê tông vỡ của đập thủy điện Đakrông 3 trôi xuống hạ lưu. Ảnh: Bùi Oanh
Bà con dân tộc tìm kiếm sắt xuất lộ từ những khối bê tông vỡ của đập thủy điện Đakrông 3 trôi xuống hạ lưu. Ảnh: Bùi Oanh

Dư luận tại Quảng Trị cho rằng, hạng mục phía trên đập chính nhà máy thủy điện Đakrông 3 đang trong quá trình thi công nhưng nhà máy thủy điện này vẫn tiến hành tích nước, phát điện là quá ẩu. Tại điểm vỡ ở đập chắn công trình thủy điện Đakrông 3, hiện trường cho thấy đập này có vị trí đập tràn ở giữa, hai bên trái phải của đập là đập dâng. Phần thân đập bị vỡ ở phần vỏ bêtông vai trái đập dâng, khoảng vỡ rộng khoảng 20m. Theo thiết kế, vỏ bêtông này nằm ở hai bờ đập. Tuy nhiên đơn vị thi công mới chỉ đổ xong bêtông phần vỏ phía thượng lưu, phần hạ lưu chưa thi công thì lũ dâng về, cuốn trôi phần bêtông đã đổ. Từ sự đổ nát của 20m đập thủy điện Đakrông 3 và sự cố ở một số công trình thủy điện khác trong khu vực, đang dấy lên sự lo ngại rất có cơ sở rằng chất lượng các công trình thủy điện “rất có vấn đề”- từ khảo sát, thiết kế, thẩm định cho đến thi công.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa xây dựng hoàn thành công trình đập thủy điện đã cho tích nước để nhà máy thủy điện Đakrông 3 chạy thử, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn, vịn cớ: Là bởi đã quá hạn thi công hơn một tháng. Mà nếu không tích nước để chạy thử bây giờ thì phải chờ đến ba tháng sau hết mùa mưa mới được tích nước chạy thử. Chúng tôi quyết định cho tích nước” - Ông Hải còn cho hay, thời điểm vỡ đập, hai tổ máy của đập vẫn đang chạy với công suất 50% và do mưa lớn liên tục suốt hai giờ, nước về nhanh quá nên không xả van kịp. Để khắc phục sự cố này, theo ông Hải, cần trên 20 ngày nhưng hiện đang vào mùa mưa nên ít nhất phải đến tháng 11-2012 phía công ty mới triển khai khắc phục được.

Trong khi đó, báo cáo mà Sở Công thương gửi UBND tỉnh Quảng Trị về vụ vỡ đập thủy điện Đakrông 3 cho rằng: Vào thời điểm đầu tháng 9-2012, Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn đã gửi thông báo việc tích nước cho Sở. Tuy nhiên, từ thời điểm nhận thông báo đến nay, sở chưa đi kiểm tra hiện trường việc tích nước ở thủy điện.

Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang vào cuộc điều tra chất lượng công trình thủy điện này nhằm có phương án phòng chống bão lụt cho thời gian tới. Nhưng ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban PCBL-TKCN tỉnh đã chỉ đạo: “Qua vụ việc trên cần phải xem xét lại quy trình kỹ thuật an toàn hồ đập trong quá trình tích nước. Mùa mưa bão đang đến gần, chủ đầu tư quản lý các công trình thuỷ điện cần chủ động có phương án, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn hồ đập, để tránh lặp lại sự cố đáng tiếc như vừa xảy ra. Phải rút kinh nghiệm, trong quá trình vận hành hồ đập khi có sự cố, chủ đầu tư, thi công phải kịp thời báo cáo cho chính quyền các cấp để phối hợp giải quyết, chú trọng bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của người dân trong vùng. Chủ đầu tư sớm kiểm tra lại phần tài sản người dân bị hư hại do sự cố để sớm đền bù thiệt hại”.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.