(GLO)- Mặc dù bị cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân của mình nhưng anh Đặng Tiến Tam (sinh năm 1986, thôn Hợp Hòa, xã Ia Đrăng, huyện Chư Prông) đã vượt qua bệnh tật, làm chủ quán cà phê cho thu nhập ổn định, tự nuôi sống cả gia đình.
Sau một trận sốt lúc anh Tam 1 tuổi, đôi chân và cánh tay phải của anh Tam đã bị liệt không thể đi lại được. Gia đình đã đưa anh đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Kể từ đó, đã gần 30 năm, cuộc sống của Tam phải gắn bó với chiếc xe lăn, mọi cử động chỉ nhờ vào đôi bàn tay trái. Tuy nhiên, không cam chịu số phận, anh Tam đã chứng minh là mình tàn nhưng không phế và đến nay anh đã làm chủ một quán cà phê cho thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng.
Anh Đặng Tiến Tam đang pha chế cà phê một cách thành thục. Ảnh: N.T |
Từ nhỏ anh Tam đã là người rất ham học. Mặc dù bị khuyết tật, nhưng anh vẫn mong được đến lớp học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. Ba thương anh nên hàng ngày đưa đón, tiếp thêm sức mạnh cho Tam đến trường. Thế nhưng, khi anh Tam học đến lớp 9 thì ba anh mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời để lại người vợ đau yếu cùng 3 đứa con thơ. Nỗi đau quá lớn đã từng khiến anh rơi vào cảnh tuyệt vọng. Hoàn cảnh không cho phép suy sụp, anh Tam đã quyết tâm lấy lại tinh thần, mạnh dạn vào TP. Hồ Chí Minh học nghề điện tử.
Sau 3 năm làm nghề nơi đất khách, anh trở về lại quê hương. Với số vốn ít ỏi trong tay, anh mở quán cà phê. Được bà con trong làng, bạn bè tin yêu ủng hộ, quán cà phê anh mở ngày càng đắt khách. Đặc biệt, anh tự tay mình pha chế những ly cà phê hay ly nước ép trái cây một cách thành thục và thơm ngon. Điều này đã khiến khách đến quán rất nể phục. Chị Lê Thị Phương Linh, một người bạn khá thân thiết với anh Tam từ thuở nhỏ, chia sẻ: “Mặc dù mọi công việc của anh đều phụ thuộc hoàn toàn vào tay trái nhưng Tam rất khéo léo. Mình rất thích chữ viết của Tam vì nó rất đẹp, không chỉ vậy, Tam còn có thể làm đèn lồng, làm diều... và rất nhiều đồ vật đòi hỏi sự tỉ mỉ. Mình rất khâm phục về ý chí và nghị lực của Tam”.
Gia đình hạnh phúc luôn là nguồn động viên quý giá của anh Đặng Tiến Tam. Ảnh: N.T |
Khi quán cà phê hoạt động ổn định, anh thuê chị Bùi Thị Bích (sinh năm 1993) ở cùng xã Ia Đrăng về phụ. Cảm mến anh chàng khuyết tật nhưng có nghị lực phi thường, chị Bích đã quyết tâm về chung một nhà với anh. Từ tình yêu này, anh chị đã có hai đứa con nhỏ khỏe mạnh, dễ thương. Điều này càng là nguồn động viên vô cùng quý giá cho anh Tam có thêm nghị lực trong cuộc sống. Chị Bích chia sẻ: “Hồi đầu rất thấy anh Tam bị khuyết tật chị hơi e ngại, nhưng sau khi tiếp xúc, làm việc cùng mình cảm thấy anh rất thân thiện, quan tâm mình, và mình tìm được cảm giác bình yên nơi anh. Chính sự đồng cảm đã gắn kết hai vợ chồng lại. Cho đến nay, mình vẫn không hối hận vì quyết định của mình”.
Để thuận tiện cho việc kinh doanh quán cà phê, anh Tam đã mở rộng, phát triển quán bằng việc học hỏi cách pha chế nước uống, cà phê sao cho ngon, tìm những nơi cung cấp cà phê có uy tín. Anh Tam tâm sự: “Sau này, tôi sẽ mở rộng quán hơn nữa để mọi người cùng đến ủng hộ. Bản thân là một người khuyết tật, tôi rất đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn mà những người khuyết tật khác gặp phải. Vì vậy tôi luôn mong muốn có thể giúp đỡ được điều gì đó, dù là nhỏ nhặt cho những người cùng cảnh ngộ bằng cách sẽ mở thêm một cửa hàng điện tử để mọi người có thể vào làm cùng nhau”.
Đặng Tiến Tam không chỉ là một minh chứng về nghị lực phi thường về con người “tàn nhưng không phế”, mà hơn thế nữa còn là tấm gương sáng về sự tin tưởng lạc quan, biết vượt qua số phận để vươn lên trong cuộc sống.
Ngọc Thu