(GLO)- Chỉ mới 32 tuổi nhưng Đặng Thế Hiển (ảnh) đang làm chủ đến 4 cửa hàng lớn, trong đó có 3 cửa hàng thời trang đã đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và 1 cửa hàng điện thoại di động. Con đường đến với thành công của Hiển không hoàn toàn bằng phẳng, bởi đó là cả một hành trình tìm kiếm sự khác biệt.
Loay hoay tìm hướng đi
Thích công nghệ thông tin, sau khi tốt nghiệp THPT, Đặng Thế Hiển quyết định thi vào Khoa Điện tử-Viễn thông Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech). Do chọn nghề theo cảm tính nên chỉ học được năm đầu thì Hiển bỏ ngang vì thấy quá nhạt nhẽo, không phù hợp. “Cũng may là ba mẹ không ép, để cho con được làm những gì mình yêu thích”-Hiển kể.
Sau đó, vẫn chưa có định hướng rõ ràng, Hiển tiếp tục theo học các chứng chỉ về quản trị mạng, nghiệp vụ về môi giới bất động sản, quản trị doanh nghiệp tự động hóa, kỹ năng bán hàng… Năm 2006, được một người bạn giới thiệu, anh vào làm môi giới bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng rủi thay, đó là năm thị trường bất động sản đóng băng!
Cầm tấm bằng kỹ thuật của Microsoft, Hiển xin vào làm việc ở Công ty Logico (chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ của Sony như laptop, camera, máy chiếu…). Được 2 năm, thấy cha mẹ đã cao tuổi, anh quyết định về lại Gia Lai (Hiển là con giữa trong một gia đình có 3 anh chị em). Đó là năm 2009. Trong quá trình va chạm, thích ứng với môi trường làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và được truyền năng lượng từ những người giỏi, Hiển quyết định rẽ sang con đường kinh doanh. Trước khi chính thức quay về, Hiển nghiên cứu thị trường khá kỹ và thấy rằng ở Gia Lai còn nhiều mảng có thể phát triển, trong đó có kinh doanh điện thoại di động và thời trang.
Hiển được cha mẹ hỗ trợ số vốn đầu tiên là 70 triệu đồng. Ông bà không dám đầu tư nhiều vì sợ con thất bại, nhưng cũng hỗ trợ thêm về mặt bằng kinh doanh (chính là nơi ở). Thêm số tiền tích cóp từ thời còn làm ở TP. Hồ Chí Minh, Hiển có trong tay gần 200 triệu đồng để khởi nghiệp bằng một cửa hàng điện thoại di động nhỏ tại 380A Hùng Vương (TP. Pleiku). Năm đầu, để duy trì hoạt động của cửa hàng là điều khá khó khăn đối với Hiển do kinh nghiệm chưa nhiều, cửa hàng lại nhỏ với những mặt hàng đại trà như bao cửa hàng khác. Xác định phải tìm hướng đi riêng biệt mới trụ được trong lĩnh vực này, đầu năm 2010, anh đầu tư một cửa hàng điện thoại chỉ chuyên kinh doanh iPhone, loại sản phẩm thị trường đang bắt đầu chuộng. “Chỉ tập trung 1 sản phẩm, cái gì chuyên thì vẫn hơn”-anh nghĩ, và cửa hàng iPhone, iPad đầu tiên tại thị trường Gia Lai ra đời từ đó.
Với quan niệm: “Cái đánh vào thị giác khách hàng chính là thẩm mỹ của shop, thu hút họ đẩy cửa bước vào, còn khách hàng đến mà giữ chân được thì lại là một nghệ thuật khác”, Hiển tập trung đầu tư lại từ đầu cho cửa hàng của mình, từ bảng hiệu đến tủ, kệ trưng bày, trang phục nhân viên… Do iPhone lúc bấy giờ vẫn còn là mặt hàng quá xa xỉ đối với thị trường Gia Lai nên anh luôn phải cố gắng sao cho đủ doanh số. Với những “bí quyết” như giá tốt, uy tín trong hậu mãi và bảo hành nên chỉ sau 6 tháng đầu, cửa hàng của Hiển đã có được lượng khách ổn định. Doanh số tăng dần, thậm chí tăng nhanh ngoài mong đợi. Đầu năm 2012, Hiển mở thêm 1 cửa hàng điện thoại di động nữa là Việt Trung Mobile (41 Trần Phú nối dài, TP. Pleiku).
“Lấn sân” và “bơi ngược”
Cứ tưởng Hiển sẽ chịu “an phận” với việc sở hữu cùng lúc 2 cửa hàng trên. Nhưng anh chưa muốn dừng lại. Mê và cập nhật thường xuyên các xu hướng thời trang, anh quyết định chỉ duy trì 1 cửa hàng điện thoại, còn mặt bằng của gia đình tại 380A Hùng Vương trở thành shop thời trang nam Luxury, hàng hóa do đích thân anh lấy trong nước và cả hàng nhập từ Thái Lan, Quảng Châu (Trung Quốc), Hồng Kông. Hiển xác định đối tượng khách hàng khá thông minh khi lựa chọn phân khúc 18-30 tuổi, đối tượng rất chịu chi về trang phục (khác với những khách hàng đã có gia đình thường tiết kiệm chi tiêu). Với gu thời trang đơn giản mà sang trọng, tinh tế từ kiểu dáng đến đường may, chất liệu…, nguồn hàng chất lượng và phong phú, Luxury đã nhanh chóng lấy lòng khách hàng và tăng trưởng ổn định trên “phố thời trang” Hùng Vương.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của ĐẶNG THẾ HIỂN: - Khi chọn một ngành nghề hoặc công việc nào đó, trước tiên phải yêu thích và đam mê. - Không ngừng học hỏi, liên tục cập nhật kiến thức, thông tin về ngành nghề đã chọn. - Thiết lập quan hệ với những người mang năng lượng tích cực. - Hãy chính trực, thịnh vượng tự nhiên sẽ đến. |
Thừa thắng, năm 2015, chàng trai 8X mở thêm cửa hàng Luxury Kids chuyên kinh doanh thời trang trẻ em tại số 278B Hùng Vương (TP. Pleiku). Đầu năm 2017, Hiển làm cuộc “bơi ngược” đánh vào một thị trường khốc liệt hơn khi mở tiếp 1 cửa hàng Luxury Kids tại số 237 bis Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Lúc này, thị trường thời trang gần như đã bão hòa, nhưng do sản phẩm của shop ít đụng hàng (vừa là hàng nhập, vừa là hàng thiết kế) nên Luxury Kids vẫn phát triển rất tốt. Và khi cố vấn trang phục của 2 chương trình Vietnam Idol Kids 2017 (Tìm kiếm tài năng Việt nhí) và The Voice Kids 2017 (Giọng hát Việt nhí) liên hệ với Luxury Kids mời làm nhà cung cấp trang phục cho chương trình, Hiển đã không ngần ngại gật đầu. “Nhãn hiệu của Luxury Kids được đưa lên fanpage của chương trình. Doanh số ngày càng cao. Thấy thật vui và có động lực”-anh chia sẻ.
Tất cả các khâu như marketing online, quản lý bán hàng, cập nhật xu hướng thời trang…, Hiển và người thân đều tự làm nên anh rất bận rộn. Vậy nhưng Hiển tự nhận anh lúc nào cũng thấy chưa đủ, “đặc biệt, trong lĩnh vực thời trang nhiều người trẻ giỏi hơn mình rất nhiều”. Do đó, tham vọng của Hiển là Luxury Kids sẽ ngày càng tăng lượng hàng thiết kế, hàng tự sản xuất để có một thương hiệu riêng về thời trang trẻ em trong nước. Hiển cho biết thêm, cũng đã có người muốn liên hệ nhượng quyền nhưng anh từ chối bởi “trước mắt tự mình phải làm thật tốt rồi mới tính đến những chuyện tiếp theo”.
Minh Nguyễn