Hàng trăm hộ dân (xã Cư San, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) đang đối mặt với khó khăn, bất an khi nước hồ Krông Pách thượng dâng cao, nhấn chìm hàng chục héc-ta hoa màu, giao thông bị chia cắt. Vì chậm giải tỏa đền bù nên dân mắc kẹt bên trong đại công trình thủy lợi nghìn tỉ của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng ở Tây Nguyên.
Năm 2009, Bộ NNPTNT ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách thượng. Dự án này gồm 2 công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng và hồ chứa nước Ea Rót, đây là công trình phục vụ di dân tái định cư. Địa điểm xây dựng nằm trên hai huyện Ea Kar và Krông Pắk. Tổng mức đầu tư của đại dự án này ở thời điểm hồi năm 2009 là gần 2.900 tỉ đồng. Nhưng mãi đến 2015, đại công trình kể trên mới chính thức được khởi công, song chỉ 1 năm sau phải tạm dừng vì... hết vốn đền bù GPMB. Ảnh: Bảo Trung |
Tháng 12.2018, dự án này tiếp tục được trung ương cấp thêm vốn, từ tổng mức đầu tư 2.900 tỉ đồng được nâng lên thành hơn 4.400 tỉ đồng. Đầu năm 2019, công trình trên được tái khởi động xây dựng. Ảnh: Bảo Trung |
Tháng 3.2020, Bộ NNPTNT ra quyết định phê duyệt kế hoạch chặn dòng thi công vượt lũ đập đất số 1, thuộc cụm công trình đầu mối của dự án kể trên để tiếp tục đảm bảo tiến độ thi công. Ảnh: Bảo Trung |
Đặc biệt, ở đập đất số 1 này, đơn vị thi công sẽ đắp đất tiếp đoạn còn lại của lòng sông dài 75m. Qua đó, nước sẽ chảy qua kênh dẫn dòng, cống lấy nước và tích tụ trong lòng hồ. Ảnh: Bảo Trung |
Khu vực lòng hồ kể trên có tổng diện tích lên đến 600ha, phần lớn nằm ở khu vực thôn 9,10,11 của xã Cư San thuộc huyện M’Đrắk (chiếm gần 430 ha); xã Cư Yang, Cư Bông thuộc huyện Ea Kar huyện (chiếm khoảng 170ha). Ảnh Bảo Trung |
Mưa lớn vào trung tuần tháng 8 đã gây ngập úng nặng ở phía lòng hồ, nước dâng cao, tích tụ không thoát được. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến người dân 3 thôn trên ở xã Cư San. |
Ngập úng kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con sống trong vùng đình trệ, khổ không kể siết. Giao thông khu vực bị chia cắt nghiêm trọng. Ảnh Bảo Trung |
Đoàn chúng tôi muốn vào bên trong 3 thôn trên của xã Cư San phải chờ người dân bản địa chở đi đường vòng, vượt rừng, gian nan hiểm trở. Ảnh: Bảo Trung |
Bên trong vùng rốn ngập, bà con bắt dây đẩy xuồng ra cánh đồng cắt lúa non, vớt vát chút vốn liếng đã bỏ ra nhiều tháng trước đó. Ảnh: Bảo Trung |
Ông Giàng Seo Páo, (thôn 9, xã Cư San) tâm sự: ''Những ngày này, bà con trong thôn phải tranh thủ ra đồng cắt lúa, ngâm mình dưới nước nhiều giờ rất khó nhọc, có nguy cơ mất trắng cả mùa vụ. Chỉ mong chính quyền sớm bồi thường đất, bố trí tái định cư để chúng tôi đỡ khổ''. Ảnh: Bảo Trung |
Chính quyền hai huyện M’Đrắk và Ea Kar đối thoại với người dân để trấn an tâm lý của bà con cũng như thông báo kế hoạch bồi thường, phải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực kể trên trong thời gian đến. Riêng UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo chính quyền xã thống kê thiệt hại về hoa màu của người dân tại 3 thôn trên để tiến hành hỗ trợ. Ảnh: Bảo Trung |