Dàn cán bộ huyện cùng nhóm 16 người dân lĩnh án 158 năm tù vì cấu kết làm sổ đỏ giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 29-9, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm xét xử dàn cán bộ huyện Đắk Song và 16 người vi phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “giả mạo trong công tác” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cung đường làm "sổ đỏ" giả
Theo cáo trạng, Cù Văn Soạn là nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Song. Nguyễn Tiến Lập là nhân viên Phòng Tài nguyên - môi Trường huyện Đắk Song.  Đầu năm 2017, để có tiền sử dụng chi tiêu cá nhân, Soạn và Lập nảy sinh ý định làm "sổ đỏ" không đúng quy định rồi thế chấp vay ngân hàng.
Lúc này, Soạn và Lập tìm các thửa đất có thật trên thực tế nhưng không phải của mình hoặc của mình nhưng đã được cấp "sổ đỏ". Sau đó, Soạn và Lập tìm các hộ dân quen biết nhờ đứng tên trong "sổ đỏ" để thế chấp vay tiền ngân hàng.
Để các hộ dân tin tưởng, chấp nhận, Soạn và Lập dẫn họ đi xem đất và nói là đất của mình hoặc của người quen cho mình mượn chưa được cấp "sổ đỏ". 
Do Soạn và Lập là cán bộ Nhà nước và đã vay ngân hàng nhiều rồi nên ngại không muốn đứng tên vay tiếp nữa mà nhờ các hộ dẫn đứng ra vay giúp.
Để làm được "sỏ đỏ", Soạn và Lập tự ý lấy phôi "sổ đỏ" của các bộ trong đơn vị điền thông tin của các hộ dân và thửa đất do Soạn và Lập tự nghĩ ra rồi in ra bản chính thức. Lúc này, Soạn và Lập đã làm giả tờ trình của Phòng Tài nguyên - Môi trường, soạn thảo quyết định cấp "sổ đỏ" của UBND huyện Đắk Song.
Sau khi làm xong phôi bìa "sổ đỏ", Tờ trình của Phòng Tài nguyên - Môi trường, Quyết định cấp "sổ đỏ" thì Soạn và Lập trình các giấy tờ này lên ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song phụ trách ký.
Theo quy định thì chỉ cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường mới được trình ký. Mặc dù Soạn không phải là cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường nhưng vẫn trực tiếp trình ông Sinh ký các hồ sơ do Soạn làm không đúng quy định.
Từ đầu năm 2017 đến tháng 7.2019, Cù Văn Soạn, Nguyễn Tiến Lập đã làm giả 40 tờ trình của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đắk Song để trình ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song ký 40 Quyết định cấp và 66 "sổ đỏ" đứng tên 55 hộ dân.
Dàn cán bộ huyện và người dân lĩnh án tù
Sau khi được cấp "sổ đỏ" Soạn và Lập đã thỏa thuận với 23 hộ dân sử dụng 25 "sổ đỏ" thế chấp vay vốn các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
Trong đó, Soạn sử dụng 19 "sổ đỏ" nhờ 17 hộ dân thế chấp, vay của 7 ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng và đã chiếm đoạt số tiền hơn 8 tỷ đồng. Lập sử dụng 7 "sổ đỏ" đứng tên 6 hộ dân rồi thế chấp, vay tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng và đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lập còn thực hiện việc cấp 31 "sổ đỏ" không đúng quy định cho 29 hộ dân rồi lấy tổng cộng gần 600 triệu đồng của 26 hộ dân.
Khi các hộ dân gửi hồ sơ đăng ký thế chấp tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả của UBND huyện Đắk Song thì được các cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai gồm: Nguyễn Như Huỳnh, Nguyễn Văn Dũng và Cù Văn Soạn tiếp nhận.
Sau đó, Huỳnh, Dũng, Soạn không đối chiếu với thông tin trong sổ địa chính mà ký xác nhận đơn yêu cầu đăng ký thế chấp rồi trình lãnh đạo ký hồ sơ. 
16 hộ dân mặc dù biết Soạn và Lập nhờ đứng tên trong "sổ đỏ" rồi làm thủ tục vay tiền ngân hàng để sử dụng sử dụng cá nhân, dẫn đến mất khả năng trả nợ là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, vì động cơ cá nhân, 16 người này vẫn thực hiện. Vì vậy, 16 người này phải chịu trách nhiệm đồng phạm với Soạn và Lập.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Cù Văn Soạn 30 năm tù do phạm các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “giả mạo trong công tác” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Tiến Lập 28 năm tù do phạm các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “giả mạo trong công tác". Lê Viết Sinh, 4 năm tù do phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo như: Nguyễn Như Huỳnh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Tấn Thạch và Phan Thị Hồng Ngọc phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo này phải chịu mức án từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam, tù treo khác nhau.
Liên quan đến vụ án trên, 16 người dân cũng bị tuyên án phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”  với mức án từ 2 năm 6 tháng đến 10 năm tù.
Theo Bảo Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.