Đắk Nông: Ưu tiên nguồn lực bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tỉnh Đắk Nông có đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp…đã tạo lực hút rất lớn người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến sinh sống tự phát, trong đó chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn - Ảnh: Báo TNMT
Tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn - Ảnh: Báo TNMT


Ngày mai, 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về giải pháp ổn định dân di cư tự do và chính sách dân tộc thiểu số.

Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thu hút người dân di cư tự do

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên khoảng 6.515 km2, với 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,73%; có 3 dân tộc thiểu số tại chỗ là M'Nông, Mạ, và Ê Đê, chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông có lợi thế về đất đai, chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp… đã tạo lực hút rất lớn người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến sinh sống tự phát, trong đó chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, thực hiện các chính sách dân tộc và ổn định dân di cư tự do một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm, quyết liệt thực hiện trong thời gian qua.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng số dân di cư tự do đến sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 38.191 hộ/173.973 khẩu; riêng giai đoạn 2005 đến nay là 5.388 hộ/23.680 khẩu. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức ổn định tại chỗ; bố trí, sắp xếp vào các dự án tập trung, dự án xen ghép cho 32.741 hộ/149.643 khẩu. Riêng từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã đầu tư 13 dự án ổn định dân di cư tự do với tổng mức đầu tư là 939,307 tỷ đồng.

Đến nay, số vốn đã bố trí cho các dự án là 628,715 tỷ đồng, góp phần ổn định cho 7.047 hộ; đã giao đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ làm nhà cho 1.078 hộ với diện tích đất ở là 41,84 ha (bình quân 400 m2/hộ), đất sản xuất là 500 ha (bình quân 0,5 ha /hộ).

Hiện tỉnh vẫn còn 5.450 hộ/24.330 khẩu chưa được quy hoạch bố trí ổn định và còn 4 dự án ổn định dân di cư tự do dở dang, đang tiếp tục đầu tư với số vốn còn thiếu 193,349 tỷ đồng.


 

Đắk Nông là địa phương có sản lượng cà phê đạt 336.000 tấn/năm (đứng thứ 3 cả nước) - Ảnh: VGP/Thế Phong
Đắk Nông là địa phương có sản lượng cà phê đạt 336.000 tấn/năm (đứng thứ 3 cả nước) - Ảnh: VGP/Thế Phong



Từng bước ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân di cư tự do

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do; tập trung lồng ghép các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ… vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng ổn định dân di cư tự do; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản bố trí, sắp xếp ổn định tất cả các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh (còn 5.450 hộ/24.330 khẩu).

Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân di cư tự do, theo hướng thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, giao cho địa phương quản lý và sắp xếp cho người dân sử dụng.


 

Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp thu hút người dân di cư tự tự do đến phát triển kinh tế. Hiện nay Đắk Nông đứng đầu cả nước về sản lượng hồ tiêu, đạt gần 57 nghìn tấn/năm - Ảnh: VGP/Thế Phong
Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp thu hút người dân di cư tự tự do đến phát triển kinh tế. Hiện nay Đắk Nông đứng đầu cả nước về sản lượng hồ tiêu, đạt gần 57 nghìn tấn/năm - Ảnh: VGP/Thế Phong



Phát triển giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ban hành cơ chế đặc thù về sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thông qua "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số  cũng như dân di cư tự do tham gia hoạt động trái pháp luật.

 

Theo Thế Phong (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.