Đắk Nông xác định nông nghiệp là trụ cột kinh tế và sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nhiều kết quả tích cực
Tháng 9.2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC tại xã Thuận An, H.Đắk Mil. Đây là vùng cà phê CNC đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vùng cà phê này có tổng diện tích 335 ha, với 186 hộ nông dân ở các thôn Thuận Hạnh, Đức An và HTX Công Bằng Thuận An tham gia sản xuất. Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ… để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường.
|
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang mang lại hiệu quả cao cho người dân Đắk Nông. Ảnh: Lê Min |
Trước đó, tỉnh Đắk Nông đã công nhận 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khác. Trong đó, vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC tại xã Buôn Choáh (H.Krông Nô) có diện tích gần 550 ha; hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC tại xã Thuận Hà (416 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha) cùng H.Đắk Song.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi thử nghiệm và mang lại hiệu quả cao, nhiều loại giống mới đã được đưa vào sản xuất. Các doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 169 tổ chức/cá nhân (cơ sở) áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, khoảng 2.072 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 464,50 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.797 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo... Tỉnh Đắk Nông đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu tại H.Đắk Song và công nhận, xếp hạng 41 sản phẩm OCOP.
Việc tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm và bước đầu mang lại những tác động tích cực. Ngoài 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC nói trên, tỉnh đã xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại trung tâm TP.Gia Nghĩa với diện tích trên 120 ha. Đây là một điểm đến lý tưởng đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu quan tâm và muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Nông.
|
Vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Choáh, H.Krông Nô được công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Ảnh: Lê Min |
Tiếp tục tập trung vào “trụ cột kinh tế”
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết giai đoạn gần đây, quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và quan tâm đến chất lượng giống cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đắk Nông chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, thiếu sức cạnh tranh và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Điều này đã dẫn đến việc giá cả các mặt hàng nông sản ở mức thấp, thị trường bấp bênh, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại chương trình “Khát vọng Đắk Nông” vừa được tổ chức, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho biết tỉnh đang tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế chính. Một trong số đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
|
H.Đắk Song có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh. Ảnh: Lê Min |
Giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất theo hướng tập trung, chất lượng và ứng dụng CNC. Mục tiêu của Đắk Nông là tận dụng tiềm năng, thế mạnh để hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển, hình thành 4 - 6 vùng (lũy kế 10 vùng) nông nghiệp ứng dụng CNC đối với ngành hàng chủ lực. Đắk Nông sẽ xây dựng bộ nhận diện cho các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và tập trung thu hút, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai hiệu quả dự án đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng CNC.
Hàng loạt các giải pháp cùng định hướng phát triển nêu trên sẽ giúp ngành nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đắk Nông phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Theo Lê Min (TNO)