Đắk Nông mạnh tay thu hồi dự án làm ăn không hiệu quả trong khu công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu Công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) đi vào hoạt động gần 20 năm nay. Thế nhưng, đến nay, khu công nghiệp này chưa phát huy hiệu quả do còn tình trạng doanh nghiệp thuê đất rồi "ngâm",  tỷ lệ che phủ không đạt, một số doanh nghiệp thì làm ăn èo uột...

Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Thái An, tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút chế biến sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lương
Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Thái An, tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút chế biến sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lương

Mới lấp đầy 40% diện tích

Từ 2002, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập với tổng diện tích được 179ha, vốn đầu tư 230 tỉ đồng.
Hiện nay, KCN này có khoảng 44 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Trong đó, có 33 doanh nghiệp đang hoạt động, 7 dự án đang xây dựng cơ bản, 3 dự án đăng ký đầu tư, 1 dự án sang nhượng nhưng chưa triển khai xây dựng. Đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ lấp đầy thực tế ở KCN này chỉ đạt khoảng 40%. 
KCN Tâm Thắng được đánh giá chưa phát huy hiệu quả, đóng nộp ngân sách Nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động... theo kế hoạch ban đầu. Theo UBND tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những năm vừa qua, việc kêu gọi thu hút đầu tư vào KCN Tâm Thắng chưa thật sự được các sở, ngành, đơn vị quan tâm đúng mức.
Điều này dẫn đến sự phát triển trong KCN chưa cao, chưa phát huy vai trò thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiêu thụ nông sản chủ lực, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương... để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 
Thu hồi dự án hoạt động kém hiệu quả
Theo ông Dương Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, cần thu hồi những dự án thuê đất nhưng hoạt động không hiệu quả, rà soát, xem quỹ đất còn lại trong KCN bao nhiêu. Trên cơ sở đó sẽ thu hút các nhà đầu tư mới vào KCN. Trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn với đặc thù các sản phẩm của tỉnh...
Mặt khác, thông báo kết luận tại buổi làm việc với KCN Tâm Thắng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười yêu cầu Ban quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp động không hiệu quả. Kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định.
Trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xử lý. Khi lựa chọn nhà đầu tư vào trong KCN cần lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, hoạt động những lĩnh vực đáp ứng được lợi ích của địa phương như: Thu hút được nhiều nguồn lao động, nguyên vật liệu tại chỗ, nộp thuế vào ngân sách đạt tỷ lệ cao...
Đối với Công ty TNHH Đại Việt, Công ty TNHH MTV Xuân Vàng... đang nợ tiền thuê đất và các khoản nợ khác của nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh xử lý dứt điểm các khoản nợ kéo dài.
Trước mắt xem xét, thu hồi một phần diện tích đất của Công ty TNHH Đại Việt đang thuê nhưng không đầu tư xây dựng hạ tầng gây lãng phí, để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư dự án mới...
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.