Đắk Nông: Cùng 1 giống cây mắc ca, vì sao trồng sườn đông không ăn thua, nhưng trồng sườn tây lại ra trái quá trời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau gần 10 năm phát triển cây mắc ca, nhiều nhà vườn tỏ ra thất vọng vì cây không cho trái, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển cây mắc ca đúng hướng.
Theo Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Đắk Nông, người trồng mắc ca thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, giá cả thị trường và các chính sách thu hút phát triển cây mắc ca. 
Do đó, thời gian qua, việc trồng cây mắc ca đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa phản ánh đúng giá trị của loại cây này có thể mang lại.
 
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân một số địa phương của tỉnh Đắk Nông biện pháp tỉa cành, tạo tán cho cây mắc ca giai đoạn kiến thiết
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân một số địa phương của tỉnh Đắk Nông biện pháp tỉa cành, tạo tán cho cây mắc ca giai đoạn kiến thiết
Mắc ca là loại cây trồng mới, khá phù hợp với một số vùng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy trình chuẩn về kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp loại cây này. Các hộ trồng mắc ca thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây.
Ông Ninh Hồng Giang, thôn 6, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho hay, vào thời điểm tháng 10-11 hằng năm, cường độ gió khu vực Tuy Đức rất mạnh, rễ cây mắc ca lại ăn nông, nên dễ bị đổ ngã.
Cũng thời điểm này, cây mắc ca bắt đầu ra hoa và bị gió mạnh đánh tơi tả, nên hoa không đậu được. "Năm nào cây cũng ra hoa nhiều, nhưng không đậu quả được là do vậy”, ông Giang chia sẻ.
Theo ông Phạm Tấn Minh, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, ngành Khuyến nông đang tiếp tục tham mưu quy hoạch, nghiên cứu, khảo nghiệm ở từng vùng trồng mắc ca cụ thể.
Trên địa bàn huyện Tuy Đức, nơi được đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây mắc ca, nhưng không phải xã nào cũng trồng được. Thậm chí trong cùng một xã, nhưng cũng có nơi, cây mắc ca phát triển tốt, nơi khác lại rất khó ra hoa, đậu trái, năng suất lại thấp.
Nguyên nhân là do điều kiện lập địa, hướng gió của từng vùng khác nhau. Chẳng hạn cùng trong một vùng sản xuất của thôn 6, xã Quảng Tâm, nhưng mắc ca trồng ở sườn đông thì khả năng phát triển kém, tỷ lệ đậu quả thấp. Còn trồng ở sườn Tây lại cho năng suất, hiệu quả cao hơn.
Cũng theo ông Minh, tình trạng này là do giai đoạn mắc ca nở hoa gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, kết hợp với sương mù, sương muối, làm hoa rụng, giảm tỷ lệ đậu quả.
Cây mắc ca ra hoa tập trung vào tháng đầu năm dương lịch. Đây là thời điểm bà con tưới nước cho cà phê. Do đó, những diện tích mắc ca trồng xen với cà phê sẽ bị ảnh hưởng đến sinh lý, làm cho hoa rụng nhiều.
Cây mắc ca sinh trưởng tốt nhất và cho năng suất ổn định ở mức nhiệt từ 18 – 21 độ C. Thế nhưng, hầu hết các vùng trong tỉnh, thời điểm mắc ca ra hoa, đậu quả lại có nhiệt độ phổ biến trên 23 độ C. Mức nhiệt này làm cho cây ra hoa đậu quả kém.
Mặc khác, do kỹ thuật chăm sóc như cắt cành, tạo hình, chế độ chăm sóc chưa đúng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả của mắc ca. Nhiều thời điểm giống mắc ca khan hiếm, người dân sử dụng nguồn giống không bảo đảm, dẫn đến vườn mắc ca cho chất lượng không đồng đều, có cây đã 7 năm trồng bằng nhưng vẫn không ra hoa…
Ông Minh cho biết, để giúp cây mắc ca mang lại hiệu quả, trước khi trồng, bà con nông dân cần tham khảo ý kiến tư vấn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Bà con nên tìm hiểu kỹ hơn về những yêu cầu sinh thái của vùng đất đang canh tác có phù hợp với mắc ca hay không.
Trước khi trồng mắc ca, bà con cần chú ý chọn đất phù hợp, tránh hướng gió mạnh và nên chọn những giống mắc ca chịu được gió như: 741, A4, A16…
Thực tế, mắc ca không phải là loại cây dễ trồng như thông tin lâu nay. Bởi loại cây này chỉ phát triển ở những vùng cao tương đối từ 300 - 1.200 m so với mực nước biển, kết hợp với địa hình bằng phẳng, độ dốc không quá lớn.
Do đó, ở khu vực bán sơn địa, đất đồi dốc như Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R’lấp…, người dân cần nắm bắt kỹ những yếu tố về khí hậu, thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng... để đưa ra quyết định có nên trồng cây mắc ca hay không.
Thành Tâm (Báo Đắk Nông/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.