Đắk Nông: Chỉ vỏn vẹn có 6 cây sầu riêng đặc sản thôi mà chàng nông dân vui tính này thu 60 triệu mỗi vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ với 6 cây sầu riêng đặc sản, nhưng anh Đoàn Quang Hoàng, thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), thu về trên 60 triệu đồng/vụ. Anh Hoàng có cách chăm sóc sầu riêng độc đáo, nên đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phương pháp của anh Hoàng chính là mạnh dạn áp dụng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng theo cách tự nhiên. Theo anh Hoàng, anh có vườn sầu riêng với các loại giống khác nhau.

Anh Hoàng, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vui mừng vì trồng sầu riêng theo phương pháp tự nhiên đạt kết quả cao
Anh Hoàng, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vui mừng vì trồng sầu riêng theo phương pháp tự nhiên đạt kết quả cao
Cách đây ít năm, anh trồng thêm 6 cây sầu riêng đặc sản giống Ri6 và Dona xen trong vườn sầu riêng cũ. Anh bắt đầu thử nghiệm chăm sóc 6 cây sầu riêng đặc sản này theo phương pháp tự nhiên.
Anh tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để chăm sóc sầu riêng. Thay vào đó, anh tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho 6 cây sầu riêng.
Để bổ sung các chất dinh dưỡng cho sầu riêng, anh dùng cá, bã đậu và tận dụng các loại trái cây như chuối, bơ, dứa, đu đủ… rồi ủ thành phân và bón cho cây.
Mỗi năm, anh Hoàng ủ 100 lít phân bón sinh học, với chi phí hết khoảng 400.000 đồng. Số phân này đủ để giúp anh chăm sóc tốt cho 4.000m2 cây trồng các loại trong 1 năm.
Theo anh Hoàng, với 6 cây sầu riêng đặc sản được bón phân tự nhiên, mỗi năm anh tốn chi phí khoảng 100.000 đồng/cây. Trái sầu riêng ra múi ổn định khi được chăm sóc theo cách tự tiên.
"Không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, sầu riêng phát triển rất khỏe mạnh, hầu như không có sâu bệnh" anh Hoàng chia sẻ.
Vào mùa mưa, anh để cỏ mọc xung quanh gốc sầu riêng. Theo lý giải của anh Hoàng, mùa mưa có nhiều sâu, côn trùng và nếu phát hết cỏ thì chúng không còn thức ăn, nên sẽ tấn công lá, hoa, trái sầu riêng.
Ngoài ra, anh còn sử dụng ớt, gừng, riềng, sả, tỏi… để tạo ra chế phẩm thuốc sinh học và phun cho sầu riêng khi cần thiết. Cách làm này đã bảo vệ cây an toàn và thân thiện với môi trường.

Trung bình mỗi cây sầu riêng trồng theo phương pháp tự nhiên đạt trên 1 tạ quả.
Trung bình mỗi cây sầu riêng trồng theo phương pháp tự nhiên đạt trên 1 tạ quả.
Quả sầu riêng được anh Hoàng dùng túi vải bao bọc, tránh sự tấn công của sâu bọ, chim, sóc… Sau khi trái sầu riêng trưởng thành, gần đến giai đoạn thu hoạch, anh Hoàng mới phát cỏ xung quanh gốc.
Những khu vực khác, anh vẫn để cỏ mọc một cách bình thường nhằm giữ môi trường sống cho vi sinh vật trong đất. Cỏ sau khi phát được, anh tận dụng làm phân bón, phân xanh tại chỗ cho sầu riêng.
Hiện nay, mỗi cây sầu riêng chăm sóc theo phương pháp tự nhiên của anh Hoàng đều cho thu hoạch hơn 1 tạ quả/vụ. Vụ mùa năm nay, sầu riêng đặc sản của anh Hoàng được khách hàng đặt mua với giá 110.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá thị trường.
Trừ chi phí, 6 cây sầu riêng đã mang về cho anh khoản thu nhập 60 triệu đồng/vụ. So với cách sản xuất thông thường, hiệu quả của 6 cây sầu riêng cao hơn khoảng 2,5 lần.
Anh Hoàng chia sẻ, sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn về cách làm nông nghiệp sạch, anh nhận thấy cần áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất. Đến nay, kết quả sản xuất đã vượt ngoài mong đợi của anh.
Sau khi thành công với 6 cây sầu riêng đặc sản, anh Hoàng bắt đầu chuyển sang áp dụng cách chăm sóc an toàn, tự nhiên cho toàn bộ vườn sầu riêng của mình.
"Trồng và canh tác sầu riêng theo hướng tự nhiên vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vừa đem lại sản phẩm tốt cho người tiêu dùng, năng suất và hiệu quả khá cao”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, trồng và chăm sóc cây ăn trái theo phương pháp tự nhiên đang được nhiều nông dân áp dụng. Thế nhưng, nhiều bà con cũng gặp nhiều khó khăn đối với quy trình sản xuất này vì thiếu kiến thức.
Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất theo phương pháp tự nhiên. Trong đó, cần triển khai rộng rãi kỹ thuật ủ phân chuồng, cách chế tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho người dân...
Thanh Nga (Báo Đắk Nông/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.