Đắk Lắk: Xử lý việc ngăn suối, đào ao nuôi cá tầm không phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù chưa được cấp phép, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng một hộ dân đã tự ý ngăn suối, làm biến dạng đất nông nghiệp để đào ao nuôi cá tầm ở H.Krông Bông (Đắk Lắk).
Ngày 16.8, một lãnh đạo UBND H.Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan đình chỉ công trình ngăn suối, đào ao nuôi cá tầm không phép tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, H.Krông Bông. Đồng thời, giao các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ sai phạm để có hướng xử lý vụ việc phù hợp.
Trước đó, người dân tại buôn Đắk Tuôr đã phản ánh về việc nhiều tháng qua, có một hộ tập trung máy móc, nhân công về khu vực suối Đắk Tuôr để đào ao, ngăn suối, làm biến đổi dòng chảy và thay đổi hiện trạng hàng ngàn m2 đất nông nghiệp ven suối.
 
Dòng suối Đắk Tuôr bị bờ đê làm biến đổi dòng chảy. Ảnh: Hoàng Bình
Dòng suối Đắk Tuôr bị bờ đê làm biến đổi dòng chảy. Ảnh: Hoàng Bình
Theo ghi nhận, hiện suối Đắk Tuôr đã bị đổ một bờ đê bằng đất, đá (dài khoảng 5 m, cao hơn mặt nước suối gần 1 m), ngăn lại khoảng 70% dòng chảy. Bên cạnh đó, hàng ngàn m2 đất nông nghiệp lớn đã bị đào múc, thay đổi hiện trạng nhằm mục đích làm ao nuôi cá.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết công trình trên là của ông Nguyễn Văn Toản, hộ khẩu thường trú TP.HCM. Theo ông Nghiệp, ông Toản là chủ doanh nghiệp đang nuôi cá tầm tại xã Yang Mao (cùng H.Krông Bông). Thời gian gần đây, ông Toản tìm đến xã Cư Pui và làm hồ sơ đăng ký triển khai mô hình nuôi cá tầm ở suối Đắk Tuôr với tư cách hộ gia đình.
 
Khu vực đất nông nghiệp bị đào thành ao không phép. Ảnh: Hoàng Bình
Khu vực đất nông nghiệp bị đào thành ao không phép. Ảnh: Hoàng Bình
Khu vực đất ông Toản đào ao, ngăn suối nằm trong quy hoạch đất nuôi cá nước lạnh với diện tích khoảng 2 ha. Tuy nhiên, hồ sơ của ông Toản hiện vẫn chưa được phê duyệt, toàn bộ đất bị đào bới làm ao cá vẫn là đất nông nghiệp.
Theo ông Nghiệp, qua phản ánh của người dân, vừa qua UBND xã Cư Pui đã kiểm tra hiện trạng và lập biên bản, yêu cầu ông Toản tạm dừng thi công các hạng mục tại công trình. Thời điểm lập biên bản, ông Toản đã đào múc đất, cải tạo mặt bằng với diện tích khoảng 6.000 m2, chiều sâu khoảng 1,5 m. Cũng theo ông Nghiệp, tới đây xã sẽ mời ông Toản lên làm việc để xem xét mức độ vi phạm để có hướng xử lý.
 
Khu vực ngăn suối đào ao không phép. Ảnh: Hoàng Bình
Khu vực ngăn suối đào ao không phép. Ảnh: Hoàng Bình
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Toản (chủ công trình không phép nói trên) cho biết, năm 2021 ông có mua lại 2 ha đất nông nghiệp của người dân gần suối Đắk Tuôr và dự kiến dùng 1 ha đất để đào ao nuôi cá tầm.
Ông Toản thừa nhận việc ông đào ao khi chưa chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản là sai. Ông cũng giải thích, việc ngăn suối nhằm lấy nước vào để căn mặt bằng khi múc ao và chỉ ngăn một phần suối, không phải ngăn toàn bộ dòng chảy. “Hiện tôi đã rút toàn bộ máy móc khỏi công trình và sẽ chờ đầy đủ thủ tục mới triển khai lại”, ông Toản nói.
Một lãnh đạo Phòng TN-MT H.Krông Bông cho biết vụ việc trên liên quan đến quản lý nhiều lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước... Do đó, mới đây đơn vị đã làm báo cáo đề nghị UBND H.Krông Bông chỉ đạo lực lượng công an phối hợp xác minh, xử lý.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.