Đắk Lắk: Vì sao dân ở đây phải lấy vải tối màu che cả ngàn quả dứa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, lợi nhuận từ cây dứa đồi mang lại khá cao so với một số cây trồng khác nên diện tích cây dứa tăng mạnh tại xã vùng sâu Cư Drăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dứa giảm sâu, việc tiêu thụ cũng khó khăn khiến hàng trăm hộ trồng dứa nơi đây vô cùng lo lắng.
Theo thống kê, xã Cư Drăm hiện có khoảng 320 ha dứa, trong đó gần 300 ha đã đi vào kinh doanh. Các hộ có diện tích trồng dứa nhiều tập trung ở các thôn 1, 2. Vụ thu hoạch dứa năm nay rơi đúng vào thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 nên giá cả và đầu ra của dứa gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hàng nghìn quả dứa của gia đình anh Đỗ Xuân Hồng ở thôn 1, xã Cư Drăm hái về nhưng chưa có thương lái đến mua.
Gia đình anh Trần Thế Tiên (thôn 2) năm nay ước tính thu hoạch khoảng 12.000 quả dứa. Cách đây 2 tuần, gia đình anh đã thu và bán được hơn 2.000 quả với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/quả. Tuy nhiên, đến nay giá dứa giảm chỉ còn bằng một nửa, thậm chí thấp hơn.
Anh Tiên chia sẻ: “Rẫy dứa của gia đình hiện đang chín rộ nên dù giá thấp, lợi nhuận không cao nhưng cũng phải thu về để bán”.
Gia đình anh Đỗ Xuân Hồng (thôn 1) cũng đã bước vào thu hoạch rẫy dứa khoảng 20.000 quả. Phần lớn là dứa tơ (dứa thu năm đầu) nên toàn quả to, trọng lượng từ 2,5 đến hơn 3 kg/quả. Loại này vào cùng kỳ năm ngoái hoặc khi chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19 có giá bán buôn bình quân cũng được 15.000 đồng/quả, song hiện tại thương lái chỉ mua với giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/quả; loại nhỏ từ 2.000 – 3.000 đồng/quả.
 
Vườn dứa lên đến 15 ha của gia đình chị Trần Thị Hằng ở thôn 1, xã Cư Drăm đang bước vào thời kỳ thu hoạch.
Gia đình ông Trần Duy Tư (thôn 1) cũng vô cùng lo lắng trước nguy cơ 2 ha dứa đồi thu hoạch ế ẩm, không có thương lái đến mua.
Ông Tư than thở: “Cùng thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi thu được hơn 350 triệu đồng từ tiền bán dứa. Năm nay dứa thu muộn, lại rơi vào đúng thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn trong lưu thông, giá cả xuống thấp, không có đầu ra nên không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ trồng dứa ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Khi dứa đã chín dù đã thu hoạch hay còn ở trên cây thì cũng chỉ để được tối đa một tuần, nếu để lâu dứa sẽ bị nhũn, rục nên nhiều gia đình trồng dứa ở Cư Drăm đang như “ngồi trên đống lửa”.
Hiện nay, phần lớn thương lái ở các địa phương khác đã không còn đến Cư Drăm thu mua dứa vì không xuất được cho các chợ đầu mối.
Gia đình chị Trần Thị Tuyết (thôn 1) đang phải tranh thủ thời gian lấy vải buộc che hàng nghìn quả dứa để dứa không bị cháy khi nắng chiếu vào và hy vọng kéo dài thời gian dứa chín để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Gia đình chị Trần Thị Hằng (thôn 1) cũng đang vô cùng lo lắng khi hơn 15 ha dứa của gia đình bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ.
Dân Việt (Theo Tùng Lâm/Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.