Đắk Lắk: Trai phố núi nuôi 2 loài có sừng, loài nào bán cũng đắt hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi hầu hết người dân xung quanh chọn bò là vật nuôi chính để phát triển kinh tế thì gia đình anh Vũ Văn Sơn (ở cụm 5, thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại chọn cho mình hướng đi riêng bằng việc đầu tư nuôi hươu sao và dê. Mỗi năm, chăn nuôi hươu và dê mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Đầu năm 2013, anh Sơn tìm đến các trang trại nuôi hươu lấy nhung tại huyện Ea Kar, Krông Năng… để học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu. Qua tham quan thực tế các mô hình nuôi hươu, anh nhận thấy đây là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao nên quyết định mua con giống về nuôi thử.
 
Anh Sơn bên chuồng nuôi dê của gia đình.
Ban đầu, anh Sơn chọn mua một cặp hươu trưởng thành (một con đực và một con cái), với giá hơn 20 triệu đồng/con. Sau 6 tháng chăm sóc, con hươu đực đã cho thu hoạch nhung và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập 20 triệu đồng. Đầu năm 2018, anh Sơn tiếp tục đầu tư hơn 120 triệu đồng mua thêm 5 con hươu trưởng thành (2 con đực, 3 con cái) để tăng đàn.
Để chủ động nguồn thức ăn cho hươu, anh đã trồng cỏ VA06. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh Sơn đã tăng lên 12 con (4 con đực lấy nhung, 3 con hươu cái sinh sản và 5 con hươu con từ 1 – 2 năm tuổi). Anh Sơn chia sẻ: “Với 12 con hươu, gia đình tôi nuôi nhàn hơn nuôi 3 con bò, mà hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần. Lượng thức ăn cung cấp cho hươu cũng chỉ tương đương cho 3 con bò trưởng thành...".
Theo anh Sơn, mỗi năm 1 con hươu cho nhung 1 lần, nếu giống tốt có thể cho 2 lần nhung. Giữa tháng 4-2019, gia đình anh đã cắt nhung 2 con hươu đực và bán được 45 triệu đồng. Hiện tại, nhung hươu có giá bán khá cao từ 2,5 – 3 triệu đồng/lạng, cứ sau mỗi đợt cắt nhung là có khách hàng đến đặt trước để mua trực tiếp.
Theo anh Sơn, khâu chọn giống hươu để nuôi rất quan trọng vì nó quyết định sự thành công hay thất bại khi cho nhung. Cần chọn con giống từ những con bố có sức khỏe tốt, năng suất cho lấy nhung mỗi năm 2 lần (từ 0,8 kg/lần/con) trở lên.
Nếu hươu đã có sừng thì 2 sừng phải tạo thành hình chữ “V”, đỉnh càng rộng càng tốt. Hươu là động vật bán hoang dã, có thể nuôi nhốt trong chuồng trại đơn giản, sức đề kháng cao nên có khả năng chống chịu bệnh tốt, rất phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế nông hộ.
Thức ăn cho hươu cũng dễ tìm, chủ yếu là các loại lá, cỏ và rau, củ, quả có sẵn trong nương rẫy…Cũng theo kinh nghiệm nuôi hươu của anh Sơn, muốn có được một cặp nhung chất lượng cao, nên bồi dưỡng cho hươu khoảng 1 - 2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú, thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Người nuôi cũng nên cung cấp nhiều loại thức ăn như: cây, cỏ, ngô nấu, gạo nếp, các lại cây và lá có nhựa: sung, vả, mít... cho hươu.
Cùng với công chăm sóc hươu, anh Sơn còn đầu tư nuôi dê. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh có số lượng 70 con, trong đó 25 con dê sinh sản, 45 con dê lấy thịt. Trung bình 3 - 4 tháng xuất bán một lứa, mỗi lứa khoảng 10 con.
Một con dê trưởng thành trọng lượng từ 20 - 25 kg, thương lái mua với giá ổn định từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, chăn nuôi hươu và dê mang lại cho gia đình anh Sơn nguồn thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Dân Việt (Theo Đoàn Dũng/Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.