Đắk Lắk: Tìm mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối vòng tay yêu thương” đang triển khai tại Đắk Lắk hướng tới mục tiêu sẻ chia, bù đắp tình cảm, vật chất cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Ngày 1.6, bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối vòng tay yêu thương” nhằm hỗ trợ những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, trong đó có những trường hợp trẻ mồ côi vì Covid-19.
Thông qua chương trình, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk mong muốn kết nối những vòng tay nhân ái để sẻ chia, bù đắp những khoảng trống về tình cảm, tinh thần đối với trẻ em mồ côi.
Theo bà Tâm, chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối vòng tay yêu thương” được triển khai trong các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn Đắk Lắk với mục tiêu 300 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng; tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Một bé sơ sinh mồ côi mẹ do Covid-19 ở H.Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Bình
Một bé sơ sinh mồ côi mẹ do Covid-19 ở H.Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Bình
Có 2 cách thức nhận đỡ đầu gồm trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, đỡ đầu trực tiếp là việc đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà, hỗ trợ kèm cặp trẻ học tập, cách tự chăm sóc bản thân; hỗ trợ trẻ các chi phí sinh hoạt, học tập… Đỡ đầu gián tiếp là cách hỗ trợ, chăm sóc trẻ thông qua hội phụ nữ địa phương, hoặc người trực tiếp chăm sóc bằng các sổ tiết kiệm, quỹ học bổng…
Theo thống kê của Hội LHPN Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh này có 18 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19; 2.280 trẻ em mồ côi vì các nguyên nhân khác. Trong đó, có 679 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp tại Đắk Lắk đã kết nối, nhận đỡ đầu cho 145 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
“Trong quá trình triển khai chương trình, Hội LHPN các cấp sẽ có trách nhiệm khảo sát, cung cấp thông tin, làm “cầu nối” giữa “mẹ đỡ đầu” và “con”, giám sát thực hiện và điều phối các nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo công bằng và giúp các trẻ mồ côi được tiếp cận, sử dụng nguồn lực hiệu quả, công khai, minh bạch”, bà Tâm thông tin.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm