Đắk Lắk: Những cánh rừng pơ mu đang bị tận diệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều cánh rừng pơ mu ở Đắk Lắk đang bị tận giệt để lấy gỗ, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang siết chặt quản lý.
Những cánh rừng ở độ cao trên 1.000 m, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, là điều kiện lý tưởng để pơ mu sinh sống, phát triển. Tuy nhiên, giá gỗ pơ mu ngày càng cao (khoảng 30 triệu đồng/m3) nên "lâm tặc" đã tận diệt để lấy gỗ.
 
Lâm tặc gùi pơ mu khai thác lậu
Nằm trên độ cao hơn 1.600m, tiểu khu 1219 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, có quần thể cây pơ mu phân bố dày đặc.
Để lên được tiểu khu phải đi bộ gần một ngày, vượt qua nhiều dãy núi cao, vực sâu, mới đến được chốt chặn của Công ty. Và phải mất nửa ngày đi bộ nữa, mới đến được khu vực sinh sống của pơ mu.
Song, "lâm tặc" vẫn bất chấp, chỉ trong khoảng nửa năm, đã có 72 cây pơ mu bị chặt hạ, xẻ hộp lấy đi những phần gỗ đẹp. Qua kiểm đếm xác định, có 24 cây pơ mu, đường kính 30 - 60 cm bị đốn hạ.
Trong đó,16 cây bị lấy đi những phần gỗ đẹp; 5 cây mới chỉ lấy một phần thân; 3 cây vẫn còn nguyên.
Tháng 9-2018 cũng tại đây, đã có 48 cây pơ mu bị cắt hạ, trong đó, 21 cây bị lấy phần thân, 19 cây bị lấy một ít, 8 cây còn nguyên
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, cho biết, để lấy được gỗ từ những dãy núi cao, nơi không một phương tiện cơ giới nào vào được, "lâm tặc" chấp nhận nguy hiểm, gùi từng phách gỗ ra khỏi rừng; mỗi người khoảng 60- 70 kg. Và đưa ra khỏi rừng từ nhiều hướng, khiến việc phát hiện, xử lý rất khó khăn.
Để ngăn chặn khai thác gỗ trái phép, Công ty Krông Bông đã bố trí 2 chốt chặn: tiểu khu 1206 và thác Ea Kar. Phân trường của Công ty được bố trí từ 12 - 14 nhân viên, đặc biệt là những khu rừng tập trung nhiều gỗ pơ mu.
Tuy nhiên, nơi đây đời sống của người dân khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào rừng, dẫn đến việc lâm sản bị lén lút khai thác, đặc biệt là gỗ pơ mu.
Ở khu vực này, có ngày đơn vị phải ngăn chặn cả trăm người dân mang phương tiện vào rừng khai thác lâm sản, nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, sau khi phát hiện việc phá rừng khai thác gỗ pơ mu trái phép, huyện đã chỉ đạo Công an, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, các đơn vị liên quan, xử lý kịp thời.
Theo đó, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông bảo vệ hiện trường, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng. Đảng ủy, UBND các xã Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng .
Mặt khác, huyện cũng thành lập đoàn liên ngành, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, chế biến, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép.
Đồng thời, bố trí lực lượng mật phục tại các "điểm nóng"; truy bắt đối tượng vi phạm lâm luật; xác định đối tượng “đầu nậu”; chủ đường dây khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ để điều tra, xử lý. Tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến đông đảo người dân, đặc biệt là những thôn, buôn gần rừng…
Chư Pah: Trên 1 tỷ đồng hỗ trợ tái canh cà phê
Ông Võ Văn Tấn- Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Pah, Gia Lai, cho biết: Thực hiện chương trình tái canh những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, huyện tiếp tục hỗ trợ 1.098 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, để gieo ươm 273.171 cây cà phê giống, năng suất cao, hỗ trợ 8 xã thực hiện tái canh năm 2019.
 
Chuẩn bị cà phê giống hỗ trợ tái canh cà phê
Theo đó, có 646 hộ/ 8 xã được hỗ trợ cây giống để tái canh cà phê, tập trung ở các xã: Nghĩa Hưng 149 hộ; Ia Mơ Nông 60 hộ; Ia Nhin 106 hộ; Nghĩa Hòa 176 hộ; Ia Phí 52 hộ; Ia Ka 60 hộ; Hòa Phú 33 hộ và Ia Khươl 16 hộ.
Hiện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Pah đang tập trung chăm sóc nguồn cây giống cà phê năng suất cao, chờ thời tiết thuận lợi, sẽ cấp cho người dân xuống giống, kịp thời vụ, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Gia Lai: Người dân khắc khoải vì hồ tiêu giảm giá
Hiện, ngành tiêu Gia Lai đang lao đao vì giá giảm sâu và dịch bệnh, cũng như bà con Tây Nguyên, Gia Lai đã liên tục khuyến cáo nông dân nên làm hồ tiêu sạch. Đẩy mạnh trồng xen cây ăn quả giá trị cao. Dù còn nỗi lo giá thành, đầu ra, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi hiệu quả nhất hiện nay.
 
Trồng xen cây ăn quả trong vườn tiêu hiệu quả cao
Đó là mô hình vườn xen canh sầu riêng - cà phê - bơ Booth, lãi 700 triệu đồng/năm của ông Đào Văn Chủy, xã Ia Dreng, Chư Pưh. Hay, cựu chiến binh Lê Cường, xã Ia Blứ, có nguồn thu ổn định nhờ trồng đinh lăng xen cây ăn quả. Mỗi năm lãi trên 200 triệu đồng.
Dù đã có thu nhập ổn định từ các loại cây ăn quả, nhưng sau cơn mưa kéo dài năm 2018, huyện Ia Grai đã có hơn 500ha hồ tiêu chết. Quá chán nản, nhiều hộ không cứu vườn tiêu nữa, quay sang trồng chanh dây, nhưng chanh dây cũng “được mùa mất giá”.
Ông Nguyễn Phùng Hưng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia Grai, cho biết: “Trước tình trạng tiêu chết đồng loạt, kéo dài, chúng tôi đã tuyên truyền bà con trồng xen cây ăn quả, giá trị kinh tế cao.
Chủ động liên hệ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; đồng thời, tổ chức các phiên chợ nông sản, kết hợp du lịch, để quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Đồng thời, thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững Nam Yang.
Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết, đã từng tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore”. Tại đây, hồ tiêu của anh được công nhận “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”, giá 100.000 đồng/kg, trong khi hồ tiêu bình thường chỉ 50.000 đồng/kg.
Một thành viên tổ liên kết, ông Trần Quang Sơn, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) đã nghiên cứu thành công máy sấy tiêu hữu cơ, cho biết: “Khi sử dụng chiếc máy này, màu sắc hạt tiêu giữ nguyên. Nhưng để có được màu sắc như vậy, tiêu phải sạch, không tồn dư thuốc BVTV. Hiện, tiêu hữu cơ sấy khô có giá 500.000 đồng/kg”.
Ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt Gia Lai, cho rằng, hồ tiêu vẫn là mặt hàng nông sản có lợi thế khi xuất khẩu. Do đó, cần cơ cấu lại sản xuất, gắn bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với nông dân…
Cũng theo ông Uyển, việc trồng tiêu sạch vẫn là xu hướng tất yếu, nông dân cần thay đổi
Dự tính, đến năm 2020 toàn tỉnh Gia Lai vẫn ổn định diện tích, đặc biệt, chú trọng sản xuất hồ tiêu theo chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ…
Lâm Đồng: Khấm khá nhờ liên kết trồng atisô
Không khó để gặp những vườn atisô tươi tốt, của bà con dân tộc thiểu số xã Đạ Sar, Đa Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Họ thoát nghèo từ trồng dược liệu bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar.
 
Vườn atiso hộ ông Kră Jăn Ha Ku cho thu nhập ổn định
Ông Liêng Jrang Ha Đoan, xã Đạ Sar, cho biết, ông hợp tác trồng atisô với Cty Ladophar tháng 9/2018. Với diện tích 0,3 ha cà phê già cỗi, dịch bệnh, ông chuyển sang trồng atisô, sau 4 tháng cho thu hoạch lá.
Ông chia sẻ, vẫn diện tích ấy , gia đình đã thu 30 triệu đồng. Cộng với thu nhập cà phê, ngoài cuộc sống hàng ngày, đủ nuôi hai con đi học. Mới đây, tôi đã xây nhà khang trang.
Ông Kră Jăn Ha Ku, thôn 4, xã Đạ Sar tâm sự, trước đây, chỉ trông chờ vào cà phê, mấy năm nay, cà phê bị dịch bệnh, năng suất giảm, cuộc sống thiếu thốn.
Nhờ trồng atisô, thu nhập cao hơn rất nhiều. Được Nhà nước đối ứng giống tốt, sạch bệnh, tỷ lệ 70/30, gia đình phá 1 ha cà phê để trồng.
Hàng tháng, gia đình cắt một đợt lá thu khoảng 15 triệu đồng. Nếu trồng cà phê một năm mới thu hoạch, chắc chắn không có thu nhập như vậy.
Hàng tuần, Công ty xuống kiểm tra, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm thu mua toàn bộ lá atisô với giá thỏa thuận đầu vụ.
“Giá được điều chỉnh theo thị trường, thanh toán sòng phẳng, nên chúng tôi yên tâm sản xuất” - ông Ha Ku cho hay.
Ông Cil Niêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar chia sẻ, trong khi cà phê bị bệnh, cây dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo của đồng bào thiểu số.
Hiện tại, xã có 25 hộ dân trồng atisô, diện tích 5 ha, trong đó có 11 hộ liên kết với công ty, và con số mong muốn chuyển đổi tiếp tục tăng, do hiệu quả cao.
Hiện, người dân Đạ Sar và Đa Nhim được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại tự đối ứng. Sau khi diện tích giống mới sinh trưởng, người dân có thể tự cấy mô, lấy lại nguồn giống chất lượng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp, huyện Lạc Dương, cho biết: Huyện khuyến khích các công ty liên kết với đồng bào, thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho họ. Đó cũng là lý do Cty Ladophar hình thành vùng nguyên liệu 20 ha. Về lâu dài, Lạc Dương phấn đấu năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu - dược liệu của Lâm Đồng.
Theo An Như (KTNT)

Có thể bạn quan tâm