Đắk Lắk: Nhiều quầy dược hoạt động truyền dịch trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù chức năng chỉ được bán thuốc theo đơn kê của bác sĩ, nhưng các quầy dược ở vùng nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk vẫn kiêm thêm dịch vụ khám, truyền dịch cho bệnh nhân. Các cơ sở này hoạt động công khai, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.
Sốt là… truyền dịch
Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 10-2019, có hơn 20.000 bệnh nhân bị SXH, trong đó 4 nạn nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong do người bệnh chủ quan, thường đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân điều trị, lúc bệnh diễn biến xấu mới đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Qua tìm hiểu, ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Đắk Lắk, các quầy dược tư nhân lại kiêm luôn hoạt động khám chữa, điều trị bệnh. Trong thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh, các cơ sở này điều trị cho bệnh nhân bằng biện pháp tiêm, truyền dịch… 
Tại huyện Cư M’gar, chúng tôi đến 5 quầy dược tư nhân và ghi nhận có rất nhiều bệnh nhân đến khám với biểu hiện sốt và được nơi này điều trị bằng biện pháp truyền dịch. Trong vai người bệnh, chúng tôi đến cơ sở của bác sĩ C. tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar và gặp nhân viên ở quầy bán thuốc, khai “cơ thể có biểu hiện mệt mỏi”, liền được đề nghị truyền dịch.
 
Một cơ sở dược hoạt động truyền dịch trái phép
Tại căn phòng phía sau quầy thuốc rộng tầm 20m2, được bố trí 6 giường, trong đó có 2 bệnh nhân đang nằm điều trị bằng phương pháp truyền dịch và họ cho biết có biểu hiện SXH nên tự đến cơ sở của bác sĩ C. điều trị.
Tại đây, một cô gái mặc thường phục, được cho là y tá của cơ sở này, hỏi lại chúng tôi tình hình bệnh, đo huyết áp rồi cắm kim truyền dịch vào tay bệnh nhân mà không chút do dự. Trong khi truyền dịch, chúng tôi chứng kiến nhiều người đưa con nhỏ vào phòng để được nữ y tá tiêm thuốc điều trị các bệnh khác. 
Rời quầy thuốc này, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ở một số quầy thuốc khác trên địa bàn thị trấn Quảng Phú cũng vô tư khám, điều trị và truyền dịch cho bệnh nhân, dù không có giấy phép hành nghề. 
Khó kiểm soát?
Tại Phòng Y tế huyện Cư M’gar, khi chúng tôi phản ánh hàng loạt quầy dược trên địa bàn đang kiêm luôn khám chữa bệnh, truyền dịch cho bệnh nhân, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Cư M’gar, thừa nhận có một số cơ sở lén lút hoạt động. 
Bác sĩ Lê Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết: “Những cơ sở tư nhân khám, điều trị cho bệnh nhân phải có giấy phép hoạt động và có quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật của Sở Y tế cấp thì mới được phép hành nghề. Những cơ sở không có các giấy phép hoạt động mà khám chữa bệnh là trái pháp luật”.
Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẳng định, việc khám chữa bệnh, truyền dịch ở các cơ sở không phép là rất nguy hiểm. Nơi này thường không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y - bác sĩ, nên nếu xảy ra tai biến y khoa sẽ gây nguy hiểm khó lường cho người bệnh. Hàng năm, sở thường xuyên kiểm tra và xử phạt các quầy dược tư nhân hoạt động khám chữa bệnh trái phép.
“Những cơ sở dược tư nhân nào lén lút hoạt động khám chữa bệnh, nếu phát hiện chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, quá trình điều trị bệnh, truyền dịch cho bệnh nhân, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, tước giấy phép hành nghề…”, vị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Đông Nguyên (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm