Đắk Lắk: Liên tục xảy ra các vụ người dân rơi xuống giếng nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục xảy ra các vụ tai nạn ở các giếng nước, nhiều đến mức báo động . Nhiều người do chủ quan, bất cẩn đã không may trượt chân rơi xuống giếng sâu phải nhờ lực lượng chức năng can thiệp mới thoát nạn, trong đó có không ít trẻ em nhỏ tuổi.

Liên tục có trẻ em gặp nạn

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa vớt được thi thể của một cháu bé 4 tuổi có tên Y.K.Ê (SN 2019, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) rơi xuống giếng sâu hôm 30.1. Nạn nhân đi cùng người nhà làm cỏ tại rẫy thì gặp nạn.

Đáng chú ý đây không phải lần đầu tiên vụ việc như thế này xảy ra. Trong khoảng 2 tháng qua, cơ quan chức năng liên tục cứu hộ, cứu nạn thành công nhiều nạn nhân rơi xuống giếng sâu. Trong đó, có nhiều phi vụ giải cứu nghẹt thở với hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cứu hộ một nạn nhân rơi xuống giếng sâu. Ảnh: Công an cung cấp

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cứu hộ một nạn nhân rơi xuống giếng sâu. Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, ngày 11.1, người dân phát hiện cháu N.VD.Đ (sinh năm 2015) bị rơi xuống giếng nước bỏ hoang tại địa chỉ 80 Đinh Núp, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột.

Ngay sau đó, cha của cháu bé là anh N.V.P (sinh năm 1979) đã lập tức lao xuống giếng để cứu cháu. Tuy nhiên, giếng sâu trên 20m nên người cha và cháu bé bị mắc kẹt dưới đó không thể lên được.

Ngay sau khi nhận được tin, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn. Sau đó, lực lượng chức năng đã đưa được cháu bé và người cha lên khỏi giếng nước an toàn.

Tại hiện trường một vụ tai nạn, giếng không có gắn biển cảnh báo. Ảnh: Công an cung cấp

Tại hiện trường một vụ tai nạn, giếng không có gắn biển cảnh báo. Ảnh: Công an cung cấp

Không chỉ có trẻ em nhỏ tuổi, bất cẩn trượt chân rơi xuống giếng sâu, nhiều người lớn cũng mắc phải những tai nạn tương tự, bởi đặc thù địa phương có nhiều giếng nước do người dân tự đào để dùng cho sinh hoạt hoặc tưới tiêu nông sản.

Những giếng nước này không có thành, không được rào chắn kỹ, nhiều cái còn nằm trong bụi rậm, cây cối mọc lên che tầm nhìn, những ai không chú ý rất dễ trượt chân rơi xuống.

Công tác cứu hộ thường mất nhiều thời gian, nhân lực tham gia rất lớn. Ảnh: Công an cung cấp

Công tác cứu hộ thường mất nhiều thời gian, nhân lực tham gia rất lớn. Ảnh: Công an cung cấp

Cần có biện pháp quản lý phù hợp

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Năm 2022, ngay từ thời điểm xảy ra liên tục những vụ đuối nước ở trẻ em, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cắm biển báo ở các ao hồ, sông suối, giếng sâu để hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn ngoài ý muốn.

Thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trước tình trạng những vụ tai nạn tại những giếng sâu xảy ra liên tục, Sở đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con cắm biển báo phòng ngừa, phát quang cây cối xung quanh để người khác chú ý, tránh tai nạn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những sự cố đáng tiếc xảy ra, bất khả kháng".

Khi bị rơi xuống giếng sâu, nếu không được giải cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh: Công an cung cấp

Khi bị rơi xuống giếng sâu, nếu không được giải cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh: Công an cung cấp

Theo ông Thuân: "Không phải xảy ra tai nạn rồi chúng tôi mới cảnh báo cho người dân. Công tác cảnh báo được làm thường xuyên trong nhiều năm nay, nhiều giải pháp ngăn ngừa, từ cắm biển báo, cử cán bộ nhắc nhở bà con cũng đã được triển khai. Nhưng thực tế có nhiều giếng nằm sâu trong rẫy, nhiều người từ nơi khác đến không biết nên trượt chân, xảy ra tai nạn".

Có thể bạn quan tâm