Đắk Lắk gặp khó trong phòng, chống dịch bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk. Chỉ trong một tuần lễ, tỉnh này ghi nhận thêm 13 ca nhiễm bệnh. Hiện, dịch bệnh đã xuất hiện ở 7 xã thuộc 5 huyện và vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
 
Phát thuốc cho người dân ở một ổ dịch bạch hầu tại Đắk Lắk. Ảnh: H.T
Phát thuốc cho người dân ở một ổ dịch bạch hầu tại Đắk Lắk. Ảnh: H.T
Ngành Y tế tỉnh chuẩn bị lấy lượng lớn vaccine do Bộ Y tế cấp để tiến hành tiêm chủng trên diện rộng nhưng việc sử dụng hàng triệu liều vaccine này sao cho hữu dụng, tránh lãng phí là vấn đề các cấp có thẩm quyền nên lưu tâm...
Còn nhiều bất cập
Tính đến chiều 20.7, Đắk Lắk đã có tổng cộng 18 ca nhiễm bạch hầu, phân bố tại 7 xã thuộc 5 huyện (Cư M’Gar, Lắk, M’Đrắk, Krông Bông và Cư Kuin), chưa có người nào tử vong. Số ca nhiễm bạch hầu ở Đắk Lắk trong năm 2020 đã gần gấp 4 lần so với hồi năm 2019. Đáng chú ý, từ 2003 đến 2018, địa bàn tỉnh không ghi nhận ca nhiễm bạch hầu nào.
Hiện, các trường hợp nhiễm bạch hầu ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung thường phát hiện khi người bệnh đến cơ sở y tế khám nên việc tiếp xúc với cộng đồng trước đó rất khó xác định.
Ông Trịnh Quang Trí - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đắk Lắk - cho hay, hiện người lành mang vi khuẩn bạch hầu vẫn ở trong khu dân cư. Những người trước đó chưa được tiêm chủng phòng bệnh rất dễ lây nhiễm. Vì vậy, một khi phát hiện người nhiễm bệnh, lực lượng y tế ngay lập tức phải khoanh vùng, cách ly người dân trong khu vực để trách lây lan diện rộng. Tuy nhiên, người dân một số nơi vẫn chưa hưởng ứng các biện pháp chống dịch do ngành Y tế phát động. Lực lượng y tế địa phương vẫn còn chậm trễ trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nhiễm bệnh.
Ngoài ra, việc tổ chức uống kháng sinh dự phòng tại cộng đồng vẫn còn bỏ sót một số đối tượng hoặc một vài người uống thuốc không đủ liều, đủ ngày như hướng dẫn. Một số khu cách ly tại địa phương còn sơ sài, chưa nghiêm ngặt; triển khai công tác đấu thầu cũng như cung ứng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời, ông Trí cho hay.
Phải sử dụng hiệu quả vaccine được cấp
Bộ Y tế trước đó nói rằng sẽ cấp cho vùng Tây Nguyên 10 triệu liều vaccine để khu vực này dập dịch bạch hầu, không để lan rộng. Như Lao Động đã thông tin, CDC Kon Tum, Đắk Nông... đã cấp tốc lấy hàng nghìn liều để tiêm phòng trước cho người dân tại các ổ dịch.
Đắk Lắk trong ít ngày tới cũng sẽ nhận được vaccine từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.
Ngành Y tế Đắk Lắk khẳng định, sẽ tiến hành tiêm chủng cho toàn bộ 1,9 triệu dân đang sinh sống, làm việc ở tỉnh. Tức, tổng số vaccine ước lượng gần 3,8 triệu liều. CDC Đắk Lắk sẽ tiếp nhận và bảo quản vaccine tại kho, thực hiện cấp phát cho Trung tâm Y tế cấp huyện ít nhất là 1 ngày trước khi tổ chức tiêm chủng.
Ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - nhận định, đơn vị vẫn đang còn 100.000 liều vaccine Td trong kho lưu trữ. Ít ngày tới, viện sẽ lấy tiếp 400.000 liều từ trung ương để cấp cho các tỉnh Tây Nguyên chống dịch. Tuy vậy, ngành y tế các địa phương cũng cần phải có phương án phân bổ, sử dụng một cách hợp lý số vaccine được cấp. Bởi, không loại trừ khả năng có trường hợp lực lượng y tế địa phương gây thất thoát hoặc vứt bỏ vaccine sau khi đã tiêm phòng đủ cho bà con. 
Toàn vùng Tây Nguyên hiện đã có hơn 100 ca nhiễm bạch hầu, Đắk Nông vẫn là địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất khu vực (32 ca). Mới đây, Đắk Lắk đã lên kế hoạch tiêm 15.000 liều vaccine Td (2 liều) để phòng dịch bạch hầu cho khoảng 7.500 nhân viên y tế trong toàn tỉnh. Đây là cách thức cần thiết giúp nhân viên y tế tại địa phương yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch bạch hầu đang có những diễn biến phức tạp.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm