Đắk Lắk: Đại dự án nuôi bò khiến dân phải "màn trời chiếu đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Cty Sao Đỏ để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án tại huyện M’Đrắk. Ảnh: HL
Tỉnh Đắk Lắk từng kỳ vọng Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt của Cty TNHH liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Cty Sao Đỏ) khi đi vào hoạt động sẽ thay bộ mặt kinh tế của huyện nghèo M‘Đrắk. Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai, dự án của Cty Sao Đỏ để xảy ra rất nhiều sai phạm không chỉ gây lãng phí ngân sách, thất thoát tài nguyên đất mà còn khiến người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất…
Ỳ ạch triển khai
Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Cty Sao Đỏ thực hiện dự án chăn nuôi đại gia súc hướng thịt với diện tích thuê đất là 1.513ha tại xã Ea Lai (huyện M’Đrắk). Theo kế hoạch, dự án này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2012 với quy mô nuôi 13.000 con bò; trồng ngô hạt, ngô non, đậu nành và các loại thức ăn cho bò; quản lý 71,5ha rừng, trồng 96,5ha rừng sản xuất tại xã Ea Lai. Chủ đầu tư cam kết sẽ đổ vào dự án số tiền gần 224 tỉ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Đổi lại, tỉnh Đắk Lắk ưu đãi thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê đất 15 năm đối với diện tích chăn nuôi, 11 năm diện tích quản lý bảo vệ rừng…
Thời điểm thực hiện dự án tại huyện M’Đrắk, ông Lê Văn Minh (SN 1963, trú thôn 10, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) và nhiều người dân địa phương khấp khởi mừng vui vì tin rằng, dự án sẽ thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Bản thân gia đình ông Minh đã giao 7,2ha đất trồng cây lâu năm cho Cty Sao Đỏ triển khai dự án. Với số tiền đền bù khoản 2,2 tỉ đồng, ông Minh đã dự tính nhiều kế hoạch cho tương lai…
“Ban đầu, nhà nước thu hồi đất của tôi rồi trả hơn 800 triệu đồng và nợ khoảng 1,2 tỉ đồng. Sau gần 10 năm với nhiều lần hứa tới, hứa lui, đến nay số tiền này vẫn không được chi trả cho gia đình tôi” - ông Minh nói và cho biết, từ ngày đất sản xuất bị thu hồi, gia đình ông rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Minh chỉ là một trong số nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù của dự án do Cty Sao Đỏ thực hiện. Không chỉ khất nợ tiền của người dân, Dự án của Cty Sao đỏ còn chậm triển khai như cam kết trước đó.
Cuối năm 2018, tỉnh Đắk Lắk có kết luận thanh tra toàn diện dự án của Cty Sao đỏ. Theo đó, sau gần 10 năm thực hiện, dự án của Cty Sao Đỏ tại huyện M’Đrắk thực tế chỉ quản lý, sử dụng hơn 454 ha; đã xây dựng khu chuồng trại, nhà kho, nhà giết mổ...
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Không chỉ ỳ ạch triển khai dự án, tại thời điểm thanh tra, Cty Sao Đỏ chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TNMT; Không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng các hạng mục không có giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế…
“Tiến độ đầu tư xây dựng đồng ruộng trồng cỏ và các loại khác phục vụ chăn nuôi bò đạt 24% so với kế hoạch là rất thấp. Tổng số bò đã nhập khẩu, chăn nuôi 3.232/13.000 con, đạt 24,9% so với dự án đã duyệt. Trồng rừng sản xuất chỉ đạt 30,6% so với kế hoạch. Tổng vốn đã đầu tư gần 126 tỉ (gồm hơn 20 tỉ để giải phóng mặt bằng), đạt hơn 56% so với kế hoạch...” - trích kết luận thanh tra tỉnh Đắk Lắk.
Dự án của Cty Sao Đỏ chưa đóng góp nhiều về tăng thu ngân sách, chưa thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương mà còn làm mất rừng nghiêm trọng. Thời điểm thanh tra, tỉnh Đắk Lắk phát hiện hơn 70ha rừng tự nhiên đã giao quản lý và bảo về nhưng Cty Sao đỏ đã làm mất hơn 50ha rừng tự nhiên.
Kiểm toán Nhà nước khu vực XII từ năm 2016 đã kết luận: Việc ngân sách tỉnh cho huyện M’Đrắk tạm ứng số tiền hơn 50 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Sao Đỏ là không đúng quy định; kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi lại.
Sau khi Kiểm toán Nhà nước có kết luận, tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Cty Sao Đỏ chi trả toàn bộ khoản chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho ngân sách tỉnh và huyện đã tạm ứng trước đó. Chỉ đạo là thế, nhưng đến nay, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án trên vẫn chưa được nhận đầy đủ tiền đền bù.
Bà Chu Thị Thành - Phó Chủ tịch huyện M’Đrắk - cho biết, dự án của Cty Sao Đỏ là dự án lớn nên trong quá trình triển khai đều làm việc với tỉnh Đắk Lắk. Bà Thành cho rằng, về phía địa phương nhiều năm qua luôn hỗ trợ cho tỉnh trong việc giải phóng mặt bằng, vận động người dân giao đất. Việc triển khai dự án, lập các thủ tục... huyện khó nắm được... Nói về việc nợ tiền đề bù của người dân, bà Thành lý giải: “Trong quá trình kiểm tra thực địa, có nhiều phát sinh khiến chi phí giải phóng mặt bằng trải qua 5 lần điều chỉnh”.
Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm