Đắk Lắk: Chàng trai trồng hoa lan giả hạc, có hoa lan giả hạc đột biến nhiều người kéo đến xem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính Maketing (TP. Hồ Chí Minh) nhưng anh Phạm Đức Thành (ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại quyết định khởi nghiệp với nghề trồng hoa lan giả hạc, trong đó có hoa lan giả hạc đột biến quý hiếm.
Cơ duyên đến với lan giả hạc của anh Thành cũng rất ngẫu nhiên. Những năm là sinh viên, được người anh nhờ tìm mối bán lan, Thành đến các cửa hàng bán lan tại TP. Hồ Chí Minh chào hàng giúp và cũng tập tành làm quen với kiến thức về hoa lan để tư vấn cho khách hàng. 
Càng tìm hiểu, anh càng đam mê lan lúc nào không biết. Sẵn vốn kiến thức maketing được học trong trường, chàng sinh viên nảy ý tưởng nhân rộng lan giả hạc đột biến để kinh doanh.

Anh Thành chăm sóc vườn hoa lan giả hạc tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Anh Thành chăm sóc vườn hoa lan giả hạc tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Từ vài giò lan ban đầu được người bạn thân tặng, anh Thành dần sưu tầm về vườn của gia đình vài chục giò lan. Những ngày đầu trồng và chăm sóc lan giả hạc, anh gặp không ít khó khăn do không nắm vững kỹ thuật, lan bị chết và hao hụt nhiều. 
Chịu khó vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm nên sau một thời gian, anh đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, có thể nhân giống và “điều khiển” lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. 
Từ đó, hoa lan do anh trồng được nhiều người biết đến. Những loại lan giả hạc quý hiếm được anh bán lại cho những người sưu tầm có giá trên trăm triệu đồng, còn những loại bình thường cũng có giá vài triệu đồng một chậu. 
Hiện trong vườn nhà anh Thành có trên 1.000 chậu, với hàng trăm loại lan giả hạc có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Nhờ trồng theo kiểu “cuốn chiếu” nên anh có thể bán liên tục; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm anh Thành lãi 300 triệu đồng.
Anh Thành chia sẻ, công việc trồng và chăm sóc lan khá nhẹ nhàng, chỉ cần nắm vững kỹ thuật và có đầu ra cho sản phẩm là có thể lập nghiệp được. 
Lan giả hạc đột biến là loại lan quý, để cây cho hoa đẹp thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loài lan nên trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo điều kiện tốt nhất. Vườn lan của anh được hàn bằng những khung sắt, cách đất từ 1,5 – 2 m, bên trên được bố trí lưới che mát (loại lưới có độ che nắng 60%), có hệ thống phun sương tự động. 
Ngày tưới một lần cho cây, nhưng tưới vừa phải, nên đầu tư bể lọc để lọc nước trước khi bơm tưới. Đặc biệt, trước khi “ép” lan giả hạc ra hoa phải nuôi dưỡng cây cho khỏe bằng cách bón phân đầy đủ và hợp lý, đồng thời quan sát để phòng trừ nấm bệnh gây hại cho lan.
Thành công trong khởi nghiệp từ đam mê của anh Thành mang lại cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ đã đến tham quan, học hỏi nghề trồng lan ở trang trại của anh. Thời gian tới, anh Thành dự định tiếp tục đầu tư và mở rộng vườn lan, đồng thời nhân một số giống lan giả hạc quý hiếm nhằm bảo vệ loài lan quý này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Đoàn Dũng (Báo Đắk Lắk/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm