Đắk Lắk cần phát huy lợi thế về tiềm năng tài nguyên đất bazan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đắk Lắk cần chú trọng các nhóm giải pháp phát huy lợi thế, có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Sáng 30/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan… cùng tham dự.
Tại kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã bầu ông Y Vinh Tor, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa IX giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 với 74/75 phiếu đồng ý (đạt 98,66%).
Ông Trần Phú Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X với 75/75 phiếu đồng ý.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2021, với 75/75 phiếu đồng ý.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa IX tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: ông Nguyễn Tuấn Hà, bà H Yim Kđoh, ông Võ Văn Cảnh, ông Y Giang Gry Niê Knơng.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao công tác triển khai và kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Với gần 1,4 triệu cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ rất cao (99,76%), cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (99,60%).
Số lượng, cơ cấu, thành phần bảo đảm như dự kiến; trình độ, chất lượng chuyên môn của đại biểu được nâng cao.
Tỉnh đã bầu được 9 đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 5/9 người là nữ đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 55,55%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
Có 75 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, trong đó tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 26,67%, cao hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước là 16,39%.
Với kết quả đó, Chủ tịch Quốc hội trân trọng chúc mừng 75 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và 5.148 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã đã được cử tri tỉnh tín nhiệm lựa chọn làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại các cơ quan dân cử.
"Với sự tín nhiệm, tin tưởng của đồng bào, cử tri tỉnh Đắk Lắk, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh cần nhận thức sâu sắc trọng trách và vinh dự là người đại biểu của nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất, đạo đức, gần gũi, trân trọng lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri và nhân dân theo phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ trong các hoạt động của địa phương; đổi mới và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt chương trình hành động cùng những lời hứa của mình, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng lớn lao trước cử tri và nhân dân tỉnh Đắk Lắk," Chủ tịch Quốc hội nói.
Phát huy cao độ trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân
Ghi nhận nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X cần đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng; sự giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương trình toàn khóa, hằng năm cần bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; chú trọng thực hiện các khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; nhất là chính sách, thể chế cụ thể bằng các nghị quyết thích hợp của Hội đồng Nhân dân tỉnh; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cho phép thành phố Buôn Mê Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tập trung phát huy được những lợi thế tiềm năng phát triển để Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, thực sự trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tầm nhìn trở thành trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và Tiểu vùng sông Mekong.
Cùng với đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh tích cực, chủ động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cũng như lề lối làm việc của Hội đồng Nhân dân tỉnh trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm của đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là các đại biểu chuyên trách; phát huy tính nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri; nhất là sự chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong hoạt động giám sát, thẩm tra, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật… của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp tham gia có hiệu quả các chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng pháp luật, các dự án luật trình Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng các đồng chí được bầu vào các chức danh của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Đắc Lắk khóa X. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng các đồng chí được bầu vào các chức danh của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Đắc Lắk khóa X. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh phát huy hiệu quả công tác phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội để tăng cường hiệu quả giám sát, đồng thời huy động và phát huy sự tham gia đông đảo, có hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cần tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng công tác bồi dưỡng hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân, nâng cao chất lượng bộ máy tham mưu, giúp việc của Thường trực Hội đồng, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Chủ tịch Quốc hội cho biết theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, giám sát để nâng cao chất lượng của Hội đồng Nhân dân trong phạm vi cả nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Phát huy lợi thế so sánh của một tỉnh có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã xác định, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp phát huy lợi thế so sánh mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh miền núi, có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao, chăn nuôi, trồng rừng….; phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, sạch, gắn với bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới.
Đắk Lắk rà soát, nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế; tập trung nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao; ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên và phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận 67-KL/TW.
Tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và của cả vùng; tiếp tục chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo ở những khu vực này; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công; chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số; phát huy sực mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm