Đắk Lắk: Buôn của người dân tộc Ê Đê giàu đẹp nhất Tây Nguyên ví như miền cổ tích giữa lòng thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa Thành phố Buôn Ma Thuột-thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk có một buôn đồng bào dân tộc Ê Đê làm mê đắm lòng người. Nơi ấy, quanh năm hoa khoe sắc thắm, khí hậu trong lành, con người chan hòa, mến khách...
Huyền thoại về tình yêu nơi đầu nguồn 6 con suối
Chuyện kể rằng, hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai nghèo khổ Y Diêm Niê quê M'Đrăk (Đắk Lắk) và cô con gái xinh đẹp của một vị tù trưởng đem lòng yêu nhau. 
Nhưng mối tình ấy không "môn đăng, hộ đối" nên đã không được chấp nhận. Năm 1954, chàng trai đã dắt người yêu đi bộ, vượt qua trùng điệp núi rừng tìm vùng đất mới.
Clip: Khám phá buôn Akõ Dhông của dân tộc Ê Đê-không gian huyền thoại đáng sống giữa thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Một ngày nọ, Y Diêm Niê dừng chân bên một con suối thì phát hiện thấp thoáng trong rậm rịt cỏ tranh có người Ê Đê sinh sống. 
Ở đấy có ngôi làng nhỏ nằm trên một vuông đất phẳng phiu bên hồ nước lớn ngay đầu nguồn nhiều dòng suối. Lạ lẫm hơn, nơi ấy còn có các vị nữ thiện nguyện dạy cho dân rất nhiều thứ. Chẳng do dự, Y Diêm dừng chân, xin vào đây sinh sống.
 
Bên ngoài khuôn viên nhà sàn già làng Ama H'Rin. Ảnh: Duy Hậu.
Bên ngoài khuôn viên nhà sàn già làng Ama H'Rin. Ảnh: Duy Hậu.
Nơi đây về sau chính là buôn Akõ Dhông. Akõ Dhông (nghĩa là buôn đầu nguồn) nằm trên đầu nguồn 6 con suối là Ea Nuôl, Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung. 
Hiện buôn này thuộc phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nơi đây được xem là buôn giàu đẹp nhất Tây Nguyên. 
Và chẳng ai khác, chính Y Diêm (sau này gọi là Ama H'rin- theo phong của người Ê Đê, đàn ông sau khi có con sẽ được gọi theo tên con) là người góp nhiều công sức làm nên diện mạo buôn Akõ Dhông như ngày nay.
 
Ngôi nhà sàn của già làng Ama H'Rin. Ảnh: Duy Hậu.
Ngôi nhà sàn của già làng Ama H'Rin. Ảnh: Duy Hậu.
Từ khi mới bước chân đến Akõ Dhông, Ama H'Rin đã trở nhanh chóng trở thành người uy tín nhất buôn bởi sức vóc, trí tuệ hơn người. 
Ông là người học trò xuất sắc của các nữ thiện nguyện tại đây, thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Ông được mọi người kính trọng bầu làm già làng ở tuổi 30. Chính ông cũng là người đầu tiên học cách trồng cà phê của người Pháp.
 
Một ngôi nhà ở buôn Akõ Dhông được làm theo lối truyền thống. Ảnh: Duy Hậu.
Một ngôi nhà ở buôn Akõ Dhông được làm theo lối truyền thống. Ảnh: Duy Hậu.
Khi có kỹ thuật trồng cà phê, ông đã đi nhặt từng hạt cà phê rơi rụng để trồng kín mảnh đất hơn 40 ha của buôn. 
Toàn bộ vườn cà phê này ông đem chia đều cho các hộ trong buôn để cùng canh tác. Sản phẩm làm ra của mỗi gia đình được công khai chia đều cho mọi người, ai ốm đau sẽ được thêm phần và được giúp đỡ…
 
Một góc ở buôn Akõ Dhông, phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Duy Hậu.
Một góc ở buôn Akõ Dhông, phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Duy Hậu.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa H’Linh Nga Niê Kdăm, Ama H'Rin là người Ê Đê đầu tiên vượt qua mọi nhọc nhằn và thiếu hiểu biết để học cách trồng, lập trang trại cà phê. 
Thậm chí sau năm 1975, ông còn học cả cách ngăn suối đắp đập để bảo đảm nguồn nước tưới…Với những cách làm tiến bộ, Ama H'Rin đã giúp cuộc sống cả buôn thời đó trở nên khá nhất trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk.
 
Một điểm nghỉ ngơi rất tuyệt vời ở Akõ Dhông. Ảnh Duy Hậu.
Một điểm nghỉ ngơi rất tuyệt vời ở Akõ Dhông. Ảnh Duy Hậu.
Ama H'Rin cũng được biết đến là một nhà "ngoại giao". Ông trực tiếp buôn bán với người Pháp. Nhờ thế mà sản phẩm của buôn làm ra luôn được bán với giá cao nhất. 
Bằng những việc làm cụ thể, thuyết phục Ama Hrin đã biến Akõ Dhông như một gia đình lớn. Ở đấy, mọi người đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đều chung sức xây dựng và bảo vệ buôn.
Tháng 12/2012, Ama H'Rin qua đời ở tuổi 81. Ông có 10 người con gồm 4 trai, 6 gái, hầu hết đều thành đạt. Hiện một số người vẫn còn sinh sống tại buôn Akõ Dhông.
Miền cổ tích trong lòng phố cao nguyên
Akõ Dhông nằm cuối đường Trần Nhật Duật, TP.Buôn Ma Thuột. Thế nhưng ở đấy là một không gian hoàn toàn xa khác với phố xá. 
Không chỉ ở Đắk Lắk mà cả khu vực Tây Nguyên, quá trình đô thị hóa đã làm diện mạo nhiều buôn làng trở nên xa lạ với chính con người tại chỗ. Nhưng Akõ Dhông thì khác.
 
Cầu thang lên nhà sàn của người Ê Đê. Ảnh: Duy Hậu.
Cầu thang lên nhà sàn của người Ê Đê. Ảnh: Duy Hậu.
Từ rất sớm, Akõ Dhông đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nhưng đến tận bây giờ. Nhưng người dân buôn Akõ Dhông vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm và đặc biệt là giữ được mái nhà dài truyền thống. Người Ê Đê ở đây bảo: "Đấy tổ tiên, là máu thịt là… Ê Đê không thể để nó lẫn với ai được".
Đến Akõ Dhông, chúng ta như lạc vào không gian hoàn toàn khác lạ. Ở đấy hoa đua sắc thắm, khí hậu ôn hòa. 
Khác với phố xá nhộn nhịp, đến Akõ Dhông chúng ta như lạc vào không gian thiền định trong tiếng suối róc rách, tiếng chim líu lo trên những tán cây cổ thụ. Đã không ít người gọi Akõ Dhông là "buôn rừng trong phố". Cách gọi đó cũng không hề ngoa.
 
Người dân Akõ Dhông thưởng thức cà phê bên những ngôi nhà sàn truyền thống. Ảnh: Duy Hậu.
Người dân Akõ Dhông thưởng thức cà phê bên những ngôi nhà sàn truyền thống. Ảnh: Duy Hậu.
Đương thời, Ama H'Rin luôn ý thức về việc bảo vệ môi trường. Chính vì vậy mà khoảnh rừng trong buôn dù đã có nhiều người "nhòm ngó" nhưng ông kiên quyết không bán. 
Ông cũng không cho bất cứ ai chặt cây. Giá trị về kinh tế nếu bán khoảnh rừng ấy không hề nhỏ nếu không muốn nói là rất lớn. Nhưng giá trị về môi trường- một thứ tài sản vô hình để lại cho muôn đời sau- còn lớn hơn gấp vạn.
 
Đồng bào Ê Đê ở Akõ Dhông đều có cuộc sống khấm khá nhờ vào các hoạt động du lịch. Ảnh: Duy Hậu.
Đồng bào Ê Đê ở Akõ Dhông đều có cuộc sống khấm khá nhờ vào các hoạt động du lịch. Ảnh: Duy Hậu.
Người Ê Đê ở Akõ Dhông cũng ý thức được điều đó. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước…đụng vào đấy là mất tất cả. 
Nghĩ vậy nên người Ê Đê ở đây không chỉ giữ mà còn trồng thêm cây xanh. Bên những mái nhà dài, ngoài những vườn hoa quanh năm khoe sắc, là những bóng cây mát rượi che chở cho buôn làng.
Tại Akõ Dhông hiện có khoảng gần 100 hộ đồng bào Ê Đê sinh sống. Do nhu cầu, người Ê Đê ở Akõ Dhông vẫn bê tông hóa, nhưng bên cạnh những ngôi nhà hiện đại vẫn là những mái nhà dài truyền thống. 
Các ngôi nhà dài làm bằng gỗ, lợp ngói, vách nghiêng, mái nhọn nhô ra phía trước trong buôn, đều nằm dọc hai bên đường theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam.
 
Một nơi nghỉ dưỡng rất thú vị cho du khách ở Akõ Dhông. Ảnh: Duy Hậu.
Một nơi nghỉ dưỡng rất thú vị cho du khách ở Akõ Dhông. Ảnh: Duy Hậu.
Hiện các con của Ama H'Rin đang xây dựng một ngôi nhà dài theo kiến trúc cổ xưa nhất của cha ông. Anh Ama Jenny, con rể của ông Ama H'Rin, cho biết, ngôi nhà được dựng bằng gỗ, trên mái dùng tre nứa ngâm làm rui mè. 
Tranh lợp mái nhà dài không cần đan mà giắt trực tiếp lên theo cách của đồng bào Ê Đê ngày xưa. Ngôi nhà khi hoàn thiện sẽ là nơi sinh hoạt chung, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần cho cộng đồng Ê Đê ở Akõ Dhông.
Theo bà H’Linh Nga Niê Kdăm, khi còn sống Ama H'Rin đã tha thiết vận động nhân dân giữ lại những ngôi nhà dài. 
Khi gia đình nào vì sinh kế phải bán đất, hoặc làm thêm nhà xây cho con cái trưởng thành, phải phá vỡ cảnh quan buôn cổ, ông cũng góp ý phải làm hoặc bán khu đất phía sau nhà dài. 
Người trong buôn bây giờ đã nhận thức được điều này, nên nếu tự làm lại nhà, cũng chọn kiến trúc cổ truyền, với đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống hiện tại…
Chính những giá trị vô giá mà Ama H'Rin xây dựng, giữ gìn, Akõ Dhông giờ đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Đắk Lắk. Đồng bào Ê Đê tại đây hiện chủ yếu sống bằng du lịch và đều có cuộc sống khấm khá.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm