(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đã làm cho bộ mặt nông thôn huyện Đak Đoa có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng khang trang.
Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bắt đầu được triển khai, qua rà soát, các xã của huyện Đak Đoa còn rất nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn. Cụ thể, toàn huyện chỉ có 1 xã đạt 9 tiêu chí, 2 xã đạt 6 tiêu chí, còn lại chỉ đạt từ 2 đến 5 tiêu chí. Riêng xã Hà Đông-một trong những xã khó khăn nhất huyện chỉ đạt 1 tiêu chí.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: G.H |
Bắt tay triển khai chương trình, huyện đã tập trung các giải pháp như: hoàn thành việc quy hoạch, điều chỉnh và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự xã hội… Trong đó, phát triển kinh tế một cách toàn diện, bền vững nhằm tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Đan-Bí thư chi bộ làng Mrah (xã Kdang) cho biết: Nhờ phát triển cây cà phê, hồ tiêu nên đời sống người dân trong làng được nâng cao, thu nhập ổn định. Mỗi hộ dân trong làng có 1-3 ha cà phê hoặc cao su tiểu điền. Hiện trong làng không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 2 hộ và phấn đấu sẽ xóa hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm…
Đến nay, huyện Đak Đoa đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm có thêm 1 xã đạt chuẩn, 7 xã đạt 10-13 tiêu chí và 5 xã đạt 7-9 tiêu chí. |
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được huyện Đak Đoa quan tâm đầu tư đồng bộ. Xác định nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM nên những công trình phục vụ lợi ích công cộng, nhân dân đều tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của. Ông Mol (xã Ia Băng)-một trong những hộ hiến đất cho địa phương làm trường học cho biết: “Thấy nhu cầu xây dựng trường học cho các cháu là thiết thực nên gia đình tôi đã hiến cho Nhà nước hơn 750 m2 đất để xây trường học. Trường học xây dựng gần nhà giúp các cháu nhỏ đi học thuận lợi, có điều kiện học tốt. Chúng tôi cũng mong Nhà nước xây dựng nhiều trường học tại các làng để giúp các cháu học tốt”. Đi đầu hiến đất xây dựng NTM còn có hộ ông Rơ Chăm Lít hiến 2 sào đất, 182 cây cà phê làm đường; hộ ông Bin hiến 1,8 sào đất, 162 cây cà phê làm đường và hộ bà H’Nơm hiến 356 m2 đất làm trường học (xã Ia Băng); hộ ông Phơn (xã Hneng) hiến 115 m2 đất làm đường; hộ bà Dâu (xã Glar) hiến 89 m2 đất làm trường học; 13 hộ dân làng Kon Pơ Dram (xã Hà Đông) hiến 2,5 ha đất để làm khu định canh, định cư…
Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay: Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân, được nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình. Trong thời gian qua, huyện đã làm được hơn 212 km đường giao thông nông thôn và đường trục chính nội đồng; xây mới và nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa hơn 29,7 km kênh mương. Cơ sở vật chất ngành Giáo dục-Đào tạo được đầu tư xây mới, sửa chữa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn huyện trồng mới được 1.982 ha cà phê, tái canh 1.600 ha cà phê, trồng mới 2.525 ha hồ tiêu, thực hiện 38 mô hình trồng trọt và chăn nuôi, hỗ trợ heo sinh sản, trồng cây bơ ghép, nuôi nhím, nuôi cá trong ruộng lúa nước, hỗ trợ giống bò và dê; cấp 1.379 con bò giống và 884.362 kg phân bón… cho người dân, qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa giúp người dân tăng thu nhập. Hiện trên địa bàn huyện đã có 9/16 xã đạt tiêu chí thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và 6/19 xã đạt tiêu chí này. Tất cả các xã đều đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
Gia Hưng