Đài thiên văn bắt được tia X lạ phát từ hành tinh cực gần chúng ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tín hiệu lạ lần này không đến từ một ngoại hành tinh hay một vật thể khác thiên hà, mà từ "người khổng lồ băng" bí ẩn nhất hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học đã lật lại kho dữ liệu khổng lồ từ Đài quan sát tia X Chandra của NASA từ năm 2002 đến 2017 và phát hiện ra những tia X bất thường từng bị bỏ qua. Nó đến từ hành tinh được coi là kỳ lạ nhất hệ Mặt Trời: Sao Thiên Vương.

Sao Thiên Vương với vùng phát ra tia X được đánh dấu bằng màu tím - Ảnh đồ họa từ NASA
Sao Thiên Vương với vùng phát ra tia X được đánh dấu bằng màu tím. Ảnh đồ họa từ NASA
Điều kỳ lạ này được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu phối hợp giữa NASA và University College London (thuộc Đại học London – Anh), Đại học Marseille, Đài thiên văn Paris (Pháp), Trung tâm Vật ký thiên văn Harvard – Smithsonian (Mỹ), Học viện Khoa học Trung Quốc…
Trong bài tóm tắt nghiên cứu vừa được NASA đăng tải, các tác giả đưa ra 2 lý do khả dĩ khiến một hành tinh phát ra tia X. Một là nó tán xạ tia X từ chính ánh sáng Mặt Trời, điều này từng được ghi nhận ở Sao Mộc và Sao Thổ, tuy nhiên có những yếu tố cho thấy với Sao Thiên Vương, điều này không hoàn toàn hợp lý. Dường như một nguồn tia X khác cũng hiện hữu song song.
Giả thuyết thứ 2 là các vành đai của Sao Thiên vương tự tạo ra tia X. Hành tinh khổng lồ, băng giá này được bao quanh bởi các hạt mang điện như electron và proton. Các hạt này khi va chạm với các vòng có thể tạo ra tia X.
2 kiểu phát xạ tia X nói trên có thể tồn tại song song với tia X phát ra từ hiện tượng cực quang của hành tinh, cũng giống như cách tia X được tạo ra trong cực quang của Trái Đất. Theo Space, hiện tượng cực quang tương tự đã được ghi nhận trên Sao Mộc.
Việc phát hiện ra tia X từ một vật thể gần gũi – tức còn nằm trong phạm vi hệ Mặt Trời, sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học giải mã tia X từ các vật thể xa xôi hơn, ngoài hệ Mặt Trời hay thậm chí là ngoài thiên hà, như lỗ đen và sao neutron.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geophysical Research.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm