Các đại gia tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở một lĩnh vực hàng không Việt Nam đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, những khoản đầu tư tỷ USD đang đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh sự cạnh tranh gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Ồ ạt gia tăng quy mô, mạng lưới
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu hợp nhất ước đạt gần 52,7 ngàn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch.
Đây là những kết quả khả quan khi sức mua của thị trường hàng không tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thị trường nội địa đã xuất hiện dấu hiệu bão hòa; giá nhiên liệu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm và biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD.
Trong nửa đầu 2019, Vietnam Airlines đã đưa vào khai thác tàu bay thân rộng Airbus A350, Boeing 787 trên các đường bay đi Đông Nam Á. Đồng thời, HVN đã mở thêm 7 đường bay nội địa mới.
|
Hình ảnh hoàn thiện của chiếc máy bay Boeing 787-10 Dreamliner đầu tiên sẽ gia nhập đội bay của Vietnam Airlines trong tháng 8/2019. |
Trong 6 tháng đầu năm, hãng cũng tiếp nhận và đưa vào khai thác 8 tàu bay thân hẹp Airbus A321neo, 2 tàu bay thân rộng Airbus A350, hoàn tất hợp đồng đầu tư mới 14 “siêu máy bay” Airbus A350. Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2019, HVN sẽ hoàn thành đầu tư mới 20 tàu bay thân hẹp Airbus A321neo; tiếp nhận và đưa vào khai thác 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-10 trong tổng số 8 chiếc; thực hiện đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025.
Theo Bloomberg, Vietnam Airlines cũng đang xin phép chính phủ mua 100 tàu bay với tổng đầu tư lên tới nhiều tỷ USD. Đây cũng là kế hoạch đã được đưa ra tại ĐHCĐ 2019.
Hãng hãng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vài năm gần đây có nhiều hợp đồng mua buôn máy bay với số lượng lớn với các nhà chế tạo Boeing và Airbus. Hồi cuối 2/2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, VJC thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với thương vụ mua mới 100 máy bay 737 MAX của Boeing giá trị 12,7 tỷ USD.
Trước đó, năm 2016, Vietjet cũng có một hợp đồng khủng ký với Boeing mua 100 tàu bay B737 MAX.
Cuối 2018, VietJet và Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua bán 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD nhằm hoàn thiện Biên bản ghi nhớ (MOU) được hai bên ký kết tại Farnborough (Anh quốc).
|
Ông Trịnh Văn Quyết ký hợp đồng mua máy bay Boeing với sự chứng kiến của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Cũng nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, hãng hàng không mới Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ký một hợp đồng mua thêm 10 máy bay Boeing 787s, trị giá khoảng 3 tỷ USD sau khi có thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị 5,6 tỷ USD. Tổng cộng Bamboo Airways sẽ mua về 30 chiếc Boeing 787, với chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.
Dù mới bay chính thức từ cuối tháng 1/2019, đầu tháng 7/2019, Bamboo đã đón hành khách thứ 1 triệu. Hiện Bamboo Airways đang khai thác 24 đường bay trong nước và quốc tế. Trong tháng 7 này, Bamboo Airways cũng sẽ chào đón chuyến bay thứ 9.000, với tỷ lệ lấp đầy đạt trung bình 90%, tỷ lệ đúng giờ xấp xỉ 93,8%, cao nhất toàn ngành và tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%.
Theo chủ tịch Bamboo Trịnh Văn Quyết, đến cuối năm 2019, Bamboo Airways đặt mục tiêu mở 40 đường bay nội địa và quốc tế. Hãng cũng đang trong lộ trình tăng số lượng tàu bay lên trên 30 chiếc đến năm 2020.
Doanh thu tăng chậm lại, rủi ro cho các đầu tư
Gần đây, tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng cũng đã phát đi tín hiệu tham gia vào lĩnh vực hàng không. Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn CAE của Canada vừa ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không.
Nhiều NĐT tin rằng, Vinpearl Air của ông Vượng sẽ tham gia vào lĩnh vực vận tải hành khách hàng không. Đây cũng là ngành nghề mà Vinpearl Air ghi nhận trong đăng ký kinh doanh.
Trên thực tế, lĩnh vực hàng không Việt Nam phát triển rất nhanh trong vài năm gần đây. Sự tăng trưởng quá mạnh thậm chí khiến các hãng rơi vào tình trạng thiếu phi công. Sự xuất hiện hàng không thứ 5 Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cùng với khả năng Thiên Minh Aviation, Vietravel Airlines, Vietstar Airline và AirAsia cũng sẽ mở hãng hàng không tại Việt Nam sẽ khiến thị trường này ngày càng trở nên sôi động và cạnh tranh khốc liệt hơn.
|
Doanh thu từ chuyển giao sở hữu quyền sở hữu và thuê máy bay của VJC lên tới gần 3,6 ngàn tỷ đồng. |
Với việc các đại gia đồng loạt rót nhiều tỷ USD vào lĩnh vực này, rủi ro cho các khoản đầu tư cũng đang dần lớn lên.
Kết quả kinh doanh của HVN cũng cho thấy điều này. Mặc dù vượt kế hoạch, nhưng lợi nhuận trước thuế của HNV trong 6 tháng đầu năm 2019 trên thực tế giảm 11% so với cùng kỳ. Nếu tính riêng quý 2, lợi nhuận thậm chí giảm tới 83%.
Vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng tăng khá chậm. Trong 6 tháng qua, HVN vận chuyển hơn 13,9 triệu lượt hành khách, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ trong khi lượng hàng hóa đạt 180 ngàn tấn, chỉ tăng 1,6%.
Trong quý 1/2019, VietJet của nữ tỷ phú Phương Thảo cũng chứng kiến hiện tượng lạ. VJC đối mặt với rủi ro doanh thu tụt giảm và phải bù đắp bằng doanh thu từ mảng đặc biệt: nhượng quyền thương mại, quyền sở hữu và thuê tàu bay lên tới nhiều ngàn tỷ đồng. Khoản thu hoàn toàn mới này chính là số tiền mà VietJet “ăn trước” vào tương lai và đã giúp doanh thu của VJC không bị tụt giảm.
Về cơ bản, thị trường hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá là rất hấp dẫn với tăng trưởng ấn tượng khoảng 17%/năm trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức 7,9% khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lý do khiến các đại gia vẫn đang tiếp tục kế hoạch đổ tiền vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại cùng với chất lượng dịch vụ xuống thấp với hàng loạt thông tin về sự chậm chuyến, hủy chuyến liên quan tới việc cơ quan chức năng tăng cường quản lý về việc phi công không được bay quá số lượng giờ quy định,... khiến nhiều NĐT lo ngại về triển vọng các cổ phiếu hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng khách hàng không chỉ còn đạt 9,4% (lên mức 38,5 triệu khác), thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 14% trong cùng kỳ năm trước.
V. Hà (VIE)