Đà Nẵng: Lo "cái bang" tái xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần đây, tình trạng người lang thang xin ăn ở TP Đà Nẵng tăng cao, trong khi các cơ quan chức năng đang rất khó giải quyết bởi vướng các quy định hiện hành
Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Đà Nẵng (Tổ 550) cho biết đầu năm 2019 tới nay, tổ này tiếp nhận được hơn 350 cuộc gọi báo tin về việc phát hiện người lang thang, xin ăn.
Chán xin thì... dọa
Đại diện Tổ 550 cho biết xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn rất nhiêu khê. Trong số 350 trường hợp được báo, cơ quan này đã trả về gia đình hơn 50 trường hợp, đưa vào trung tâm bảo trợ hơn 70 trường hợp, 50 người khác đã bỏ đi trước khi cơ quan chức năng đến, 50 người tâm thần...
 
Rất khó khăn giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn ở TP Đà Nẵng Ảnh: NGUYỄN DUY
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người thang thang, xin ăn được xác định tăng hơn gần 20 trường hợp. Phần lớn số người bị lập biên bản chủ yếu là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, rất ít người địa phương. Trong số các đối tượng xin ăn biến tướng có một người nước ngoài đã được Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng bàn giao cho Sở Ngoại vụ đưa về nước.
Đại diện Tổ 550 cũng cho hay trong số các trường hợp xin ăn biến tướng có 13 trường hợp bị chăn dắt. "Phần lớn các đối tượng chăn dắt đều bỏ chạy khi phát hiện cơ quan chức năng hay phát hiện có người báo tin. Khi đến cơ quan chức năng, các đối tượng này khai sẵn là có quan hệ bà con với kẻ chăn dắt" - đại diện Tổ 550 cho biết.
Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, số lượng người lang thang, xin ăn ở TP Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nổi lên là tình trạng "ép cho tiền". Tại phường Bình Hiên, Nam Dương (quận Hải Châu) gần đây ghi nhận trường hợp các đối tượng lân la quán xá, thấy nơi nào không có đàn ông thì ghé vào. Các đối tượng này cho biết mới ra trại, bị nhiễm HIV và xin vài đồng. Nghe vậy thì nhiều người hoảng sợ phải đưa tiền. Chủ quán biết tình trạng trên nhưng không dám nói vì sợ các đối tượng manh động. Mới đây, sở đã phối hợp và nhắc nhở một người đàn ông tên N. - sử dụng phương thức xin ăn như trên và giao địa phương quản lý.
Đủ cái khó
Ông Thái Đình Hoàng lý giải sở dĩ gia tăng số lượng người xin ăn tại TP Đà Nẵng một phần là do các đối tượng này đã tinh vi hơn và tìm cách đối phó cơ quan chức năng. "Họ đã hiểu được cách đẩy đuổi của các cơ quan chức năng ở TP Đà Nẵng nên tìm cách lách luật. Nhiều lúc, cán bộ phát hiện và tới nơi thì những người này cất "dụng cụ" xin ăn, chuẩn bị sẵn vé số chìa ra để giả làm người bán vé số" - ông Hoàng cho hay.
Ngoài ra, các đối tượng này còn sử dụng chiêu thức "nhảy cóc", tức là địa bàn nào cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thì không đến mà nhảy sang "hành nghề" chỗ khác. Ông Hoàng cũng thừa nhận trước tình hình trên, cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án để xử lý rốt ráo. Lúc trước, sở này có phối hợp với Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng sử dụng hệ thống camera để phát hiện người lang thang, xin ăn nhưng đến nay chương trình này hoạt động chưa hiệu quả. TP Đà Nẵng có cán bộ theo dõi người lang thang, xin ăn ở cấp quận trực thuộc Tổ 550 nhưng hiện nay không còn. Còn đối với cấp xã, phường, việc xử lý tình trạng trên chủ yếu dựa vào lực lượng xung kích, chủ yếu là đội quy tắc đô thị.
"Hiện TP vẫn chưa xây dựng được hệ thống nhân sự để phục vụ công tác này, mới chỉ là cán bộ thuộc Tổ 550 của sở và dựa vào công an địa phương. Đây cũng là cái khó trong công tác xử lý người lang thang, xin ăn" - ông Hoàng nói. Trước đây, mỗi người dân báo tin phát hiện đối tượng lang thang, xin ăn tại TP Đà Nẵng được hỗ trợ 200.000 đồng/trường hợp. Tổ 550 cũng được hỗ trợ kinh phí để hoạt động đặc thù, thời gian trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, hiện nay, cả 2 nguồn kinh phí trên bị cắt giảm do không phù hợp quy định của luật ngân sách mới. Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã lập đề án công tác hạn chế người xin ăn, dự kiến sẽ trình HĐND xem xét nhằm khôi phục lại kinh phí hỗ trợ để thực hiện hiệu quả hơn. 
Quá tải người tâm thần

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, hiện nay Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần của TP đang trong tình trạng quá tải bởi số lượng người tâm thần từ địa phương khác đến TP Đà Nẵng tăng lên. Trong khi đó, theo quy định, người tâm thần lang thang trên địa bàn TP Đà Nẵng nếu không xác minh được nhân thân, sau khi đưa vào Bệnh viện Tâm thần điều trị sẽ được đưa đến trung tâm này để nuôi dưỡng. Hiện trung tâm có hơn 400 người tâm thần, trong số đó phần lớn là người địa phương khác đến. "Đây được coi là kẽ hở, bởi vì có nhiều người từ nơi khác đưa người tâm thần đến, làm hồ sơ tạm trú sau đó bỏ người tâm thần ở lại" - ông Thái Đình Hoàng nói.

Bích Vân (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.