Đà Lạt nông nghiệp công nghệ cao - giải pháp đột phá mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mục tiêu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp thành phố Đà Lạt tiếp tục xác định những nhóm giải pháp mới để tăng tốc, đột phá phát triển khoảng 8.500 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 85% trên tổng diện tích đất canh tác, đạt giá trị thu hoạch sản phẩm bình quân 500 triệu đồng/ha/năm... 

Thành phố Đà Lạt xác định doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể là trung tâm, nông dân là chủ thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thành phố Đà Lạt xác định doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể là trung tâm, nông dân là chủ thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đạt từ 85 - 90% tổng giá trị toàn ngành
Theo đó, giải pháp xuyên suốt của ngành Nông nghiệp Đà Lạt là cơ cấu lại sản xuất theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại theo quy hoạch, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo quy hoạch. Các bước triển khai ở đây lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh Lâm Đồng để ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, máy móc thiết bị bảo vệ môi trường trong canh tác nông nghiệp; đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện… phục vụ sản xuất; phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu mạnh. Điển hình như đẩy mạnh giải pháp nông nghiệp công nghệ cao gắn với đề án phát triển Làng đô thị xanh xã Xuân Thọ; đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển các làng hoa công nghệ cao như Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành, Hà Đông... gắn với mô hình du lịch canh nông. Hàng năm còn tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; xây dựng lộ trình giảm diện tích nhà kính không đạt chuẩn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Những mô hình điểm trong từng khu vực, từng nhóm cây trồng được lựa chọn để tổ chức hội thảo đầu bờ, nhân rộng sản xuất. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Đà Lạt còn tăng cường các giải pháp phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả các đề án nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi giống cây trồng, phát triển cây dược liệu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu sản xuất giống rau, hoa, cây đặc sản đầu dòng sạch bệnh…
Đáng kể với 20 mô hình ứng dụng cơ giới hóa được ngành Nông nghiệp Đà Lạt tập trung triển khai vào năm 2025, nhằm góp phần đưa giá trị sản xuất công nghệ cao đạt từ 85 - 90% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, gồm 10 mô hình ứng dụng máy móc thiết bị vào các khâu làm đất, tưới nước, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng điều kiện địa hình. Tiếp theo là 5 mô hình ứng dụng IoT điều khiển hệ thống tưới nước, châm phân tự động; điều khiển nhiệt độ, độ ẩm; sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… Còn lại 5 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong dự tính, dự báo dựa trên bản đồ xác định dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Kết quả đến năm 2025 phấn đấu tăng tỷ lệ cơ giới hóa ít nhất 10% so với hiện nay. Qua đó, các công đoạn sản xuất đạt các tỷ lệ cơ giới hóa cụ thể như: 95% xử lý giá thể; 75% gieo trồng, chăm sóc; 13- 15% thu hoạch. Đặc biệt, toàn thành phố Đà Lạt phát triển thêm 3 vùng sản xuất đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời công nhận thêm 3 doanh nghiệp đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao. 
Nông dân là chủ thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao
“Thành phố Đà Lạt tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng, những nguồn vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp tiếp cận đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó là giải pháp xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn, điều kiện và nhu cầu bức thiết của người sản xuất… ”, báo cáo của ngành Nông nghiệp Đà Lạt cho biết. Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp Đà Lạt tập trung 5 chương trình, dự án công nghệ sinh học lai tạo, nuôi cấy giống cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất và chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất thương phẩm…
Cũng cần nói thêm với 2 nhóm giải pháp trọng tâm còn lại của ngành Nông nghiệp Đà Lạt trong giai đoạn đến năm 2025 là đẩy mạnh chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định theo hợp đồng. Mục tiêu cụ thể toàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025 hình thành 2 trung tâm sau thu hoạch gắn với dịch vụ sơ chế, bảo quản nông sản chủ lực tại các vùng chuyên canh rau, hoa, chè, cà phê. Bên cạnh đó, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh trong nước, đồng thời đăng ký bảo hộ đối với các thị trường nước ngoài tiềm năng. Và cũng phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố Đà Lạt đạt tỷ lệ 80% sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng với 20 - 25 mô hình chuỗi liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân. 
“Ngành Nông nghiệp Đà Lạt xác định nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả; trọng tâm là phát triển các hợp tác xã và doanh nghiệp để hình thành mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó xác định doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”, ngành Nông nghiệp Đà Lạt nhấn mạnh chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng với yêu cầu của thị trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng…
Theo VĂN VIỆT (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.