Đà Lạt hướng đến "đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát huy thế mạnh thiên nhiên ưu đãi về địa hình cung bậc và khí hậu ôn hòa, Đà Lạt đang đặt ra tham vọng trở thành thủ phủ du lịch của cả nước trong tương lai, là “đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống”.

Di tích quốc gia Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Di tích quốc gia Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Bức họa thiên nhiên hoàn mỹ
Nằm trên cao nguyên LangBiang, khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm, thiên nhiên tươi đẹp, con người nhân văn, Đà Lạt vốn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Địa hình đồi núi, nhiều cung bậc cao, thấp là nơi khai thác nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí, khám phá thiên nhiên huyền bí hấp dẫn du khách gần xa như, hồ Tuyền Lâm, đồi cỏ hồng, núi Lang Biang (còn được gọi là Núi Mẹ) có độ cao hơn 2 ngàn mét, hay thác Datanla với máng trượt dài nhất Đông Nam Á…

Biệt thự cổ ở Đà Lạt. Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Biệt thự cổ ở Đà Lạt. Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Đến với Đà Lạt là đến với xứ sở hoa quanh năm đua nở, ở bất kỳ con phố nào người ta cũng có thể tìm thấy những loài hoa khoe sắc. Hoa rực rỡ hai bên đường, hoa vươn mình trên đồi cao, hoa len lỏi dưới tán rừng thông vi vu, hoa tô điểm cho những ổ cửa sổ, những ban công và cả những hàng rào trước sân nhà, hoa quay quần thành “Làng hoa vạn Thành”, “Làng hoa Thái Phiên”… đâu đâu cũng ngập tràn trong sắc hoa muôn màu rực rỡ.
Điều làm nên nét đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại là nhiều công trình kiến trúc cổ ở đây đã tạo nên biểu tượng, đan dệt thành ký ức đô thị Đà Lạt, lưu định trong trí nhớ nhiều người. Đà Lạt đang sở hữu khoảng 1.500 dinh thự, thánh đường cổ, biệt thự nghỉ dưỡng kiều diễm, ẩn mình giữa những rừng thông, núi đồi đầy mê hoặc như khách sạn Palace, nhà ga, chợ Đà Lạt, hay nhà thờ Chánh tòa, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt…
Cùng với giá trị hệ thống di sản kiến trúc hiếm nơi nào có, các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử là cốt lõi đã tạo nên thương hiệu Đà Lạt. Buổi sáng thành phố bảng lảng một màu sương trắng, những cô gái, chàng trai tay trong tay trên những con phố quanh co, hay dìu nhau lên xuống từng bậc thang đầy bí ẩn.
Buổi trưa, nắng trải vàng nhạt, tôn thêm nét đẹp lung linh, hòa hợp của đất trời nơi đây với muôn sắc màu cỏ cây, hoa, lá, dòng người, xe thong dong dạo phố, in bóng trên mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Buổi tối, những cơn gió như trở lại dày hơn, mang cái lạnh vuốt ve để lứa đôi choàng tay nhau đi giữa phố hoa, hay sà vào gánh hàng rong trên phố đêm tận hưởng hơi ấm bên bếp than hồng...
Đầu tư, phát triển du lịch thông minh
Mới đây, Đà Lạt đã hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như mở rộng các nút giao ở trung tâm thành phố, mở rộng và nâng cấp khu vực hồ Xuân Hương, nhiều tuyến đường hẻm, đường nhánh nối liên kết các khu đô thị trong nội ô… Xây dựng tuyến đường vành đai có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, dài gần 7,5km đi qua các Phường 3, 4, 5, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6.2023.

Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Ảnh: Đỗ Đức Thiệm
Đồng thời chuẩn bị khởi công nhiều công trình, dự án trọng điểm gồm hệ thống hạ tầng quanh hồ Xuân Hương, tuyến giao thông nối Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, mở rộng Công viên Yersin, xây dựng hạ tầng thành phố thông minh, xây dựng Công viên Trần Quốc Toản…
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch như, Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ khách trên thiết bị di động. Bản đồ du lịch thông minh và hệ thống quản lý doanh nghiệp (trên cổng thông tin du lịch). Website giới thiệu hệ thống quản lý du lịch cho cơ quan chính quyền và các trang mạng xã hội (Facebook, zalo…) liên kết với cổng thổng tin, hệ thống quản lý lưu trú, hệ thống tích hợp, phân tích số liệu, hay kho dữ liệu tập trung…
Đối với du khách, hệ thống du lịch thông minh đã cung cấp đầy đủ, toàn diện, chính thống các thông tin liên quan về du lịch Đà Lạt. Cổng thông tin du lịch là nơi tập hợp và liên kết tất cả các thông tin liên quan bao gồm các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, sự kiện, tin tức và các tiện ích khác như y tế, cây xăng, bản đồ, ATM...
Ngoài các thông tin dạng chữ và hình ảnh, du khách còn có thể nắm bắt thông tin qua các mô hình 3D, thực tại ảo... được tích hợp trên ứng dụng di động giúp thông tin chính xác và chân thực hơn. Đồng thời, cung cấp các công cụ tiện dụng, thông minh cho du khách như booking trực tuyến, booking nhanh, tìm kiếm bằng giọng nói, chuyển đổi tiền tệ, từ điển âm thanh, thời tiết, tra cứu hướng dẫn viên, tìm kiếm, chỉ đường, xem thông tin, tương tác với bản đồ qua camera, nhận diện thông tin về công trình kiến trúc, di tích lịch sử...
Hướng đến “đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống”  
Với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt đang đặt ra rất nhiều kế hoạch phát triển, cùng với đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, phát triển hài hòa giữa yếu tố hiện đại, sáng tạo với bảo tồn, giữa văn hóa, du lịch với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng. Hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
Theo đó, sẽ mở rộng không gian đô thị Đà Lạt trên cơ sở chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa… Rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực, không gian đô thị một cách đồng bộ, phù hợp, không để lạc hậu, chồng chéo trong quá trình phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, gắn với bảo đảm bền vững môi trường sinh thái.
Tự hào về thành phố của mình, người Đà Lạt cháy bỏng khát vọng xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững, xứng đáng với niềm mến yêu của Nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương. Với những gì mà Đà Lạt đã và đang làm, hy vọng Đà Lạt sẽ từng bước trở thành một đô thị hiện đại, sáng tạo, là thủ phủ du lịch của cả nước, hướng đến trở thành một đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống.
Theo Đỗ Đức Thiệm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm