Đà Lạt còn đâu rừng trong phố!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một trong những thứ làm nên hồn cốt của Đà Lạt là những vạt rừng thông xanh mướt, vi vu trong gió, như giấu vào trong những ngôi biệt thự cổ. Thế nhưng, giờ đây...
"Đã mất sạch những gì vốn có của Đà Lạt, dù nhớ Đà Lạt khôn xiết, dù gần nhà nhưng đã lâu rồi tôi không còn đặt chân lên mảnh đất này, cũng bởi vì sợ xóa đi một Đà Lạt bình yên, tươi đẹp trong ký ức" - bạn Lê Thùy chua chát viết lên trang cá nhân.
20 năm trước, có cậu học trò từ vùng đất nắng nóng Bình Định khoác balô lần đầu lên Đà Lạt thi đại học. Cậu cứ lạ lẫm bởi chẳng ở nơi đâu cậu từng tới lại như Đà Lạt. Đà Lạt là phố ở trong rừng hay rừng ở trong phố? Bởi chỉ có trung tâm khu Hòa Bình và ấp Ánh Sáng thì mật độ xây dựng mới cao, còn lại tất cả các nơi, nhà cửa thưa thớt, được ẩn hiện dưới những tán thông mát rượi. Ngay cả ở góc đường Phan Bội Châu, chỉ cách trung tâm Hòa Bình vài chục bước chân, cũng có một vạt thông nhỏ với những cây thông cổ đường kính đến cả người ôm.
Giờ đây, cậu học trò năm xưa - là tôi - đôi khi phải giật mình vì những vạt rừng thông ấy nay đâu hết rồi. Cứ vài tháng không qua con đường ấy thì lại một, hai cây thông bỗng biến mất. Những cây thông trong phố không chỉ mất dần mà có cả những vạt rừng cũng bị triệt hạ.

Bê-tông hóa đang làm mất đi hồn cốt Đà Lạt - thành phố trong rừng
Bê-tông hóa đang làm mất đi hồn cốt Đà Lạt - thành phố trong rừng
Cuối tháng 4-2021, Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cưa hạ hàng loạt cây thông cổ thụ gần trăm năm tuổi trên đường Trần Hưng Đạo. Đây là trục đường được quy hoạch bảo tồn kiến trúc, di sản, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng loạt cây thông bị cưa hạ có đường kính gốc lớn nhất gần 80 cm, nhỏ nhất trên 40 cm, chiều cao trung bình khoảng 18 m. Có những cây thông trước khi bị cưa hạ, kẻ xấu đã đốt gốc một thời gian dài khiến cây mục dần phần lõi và chết từ từ. Quanh khu vực còn có không ít cây thông đã bị cưa hạ cách đây nhiều tháng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý rừng Lâm Viên - đơn vị quản lý, cho hay lợi dụng mưa gió, người ta đã cưa hạ thông.
Trong khi vụ việc chưa lắng xuống, đầu tháng 5 này, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện người dân đổ bê-tông, cốt thép làm đường ngay giữa rừng thông ở khu vực lô C, khoảnh 3, tiểu khu 156b, lâm phần thuộc địa bàn phường 10, TP Đà Lạt do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý. Một số người đã sử dụng máy múc san gạt, giật cấp tạo mặt bằng ngay dưới tán thông rồi đổ bê-tông. Khu vực rừng bị xâm phạm khoảng 900 m2, trong đó có nhiều gốc thông bị ken gốc, chặt rễ, phủ đất đá lên trên cho thông chết từ từ.
Đừng hỏi vì sao Đà Lạt ngày càng nóng lên, hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn trơ đáy, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân hay lũ ống, lũ quét cuốn trôi người liên tục xảy ra khi mưa lớn! Câu trả lời nằm ngay trên chính những vạt rừng thông cứ dần gục ngã để nhường đất cho bê-tông hóa.
Bài và ảnh: Đình Thi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Tổng cục Quản lý thị trường xác minh vụ tố cáo quản lý thị trường Kon Tum giữ xe trái luật

Tổng cục Quản lý thị trường xác minh vụ tố cáo quản lý thị trường Kon Tum giữ xe trái luật

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã ra quyết định thụ lý tố cáo và thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nội dung công dân tố cáo một số hành vi vi phạm của công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum liên quan đến vụ tạm giữ xe chở hàng có dấu hiệu trái luật.
"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.