Cựu thanh niên xung phong giúp nhau xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho đất nước, trở về đời thường, những cựu thanh niên xung phong huyện Đức Cơ lại nêu cao ý chí kiên cường, sáng tạo đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo.

 Bà Nguyễn Thị Tiến trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các hội viên. Ảnh: M.C
Bà Nguyễn Thị Tiến trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các hội viên. Ảnh: M.C

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Thiết Giáp-Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Đức Cơ, cho biết, những năm qua, Hội đã triển khai nhiều phong trào hiệu quả, trong đó có phong trào “Hội viên giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Khi bắt đầu triển khai, toàn huyện còn 38 gia đình hội viên thuộc diện nghèo, nhiều gia đình khó khăn. Đến nay đã có 27 hộ thoát nghèo và 8 hộ sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Số gia đình hội viên có mức thu nhập 100-300 triệu đồng/năm chiếm hơn 65%.

Có được thành quả đó là nhờ sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các hội viên và tinh thần cố gắng của từng người. Nhiều cựu thanh niên xung phong ở huyện Đức Cơ đã chủ động thay đổi mô hình sản xuất, vừa đảm bảo cuộc sống vừa hỗ trợ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tính đến nay, hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Đức Cơ đã đóng góp xây dựng nguồn quỹ được 160 triệu đồng để cho hội viên khó khăn vay ưu đãi. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ vốn và tặng sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn. Bản thân những hội viên khá giả cũng tích cực tham gia đóng góp để xóa nhà dột nát cho đồng đội.

Ở thôn Thanh Tân (xã Ia Krêl), gia đình cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tiến là một trong những điển hình về phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Từng phục vụ nhiều năm ở đường 559, khi trở về đời thường, bà Tiến vẫn giữ được phẩm chất của lực lượng thanh niên xung phong. Bà Tiến chia sẻ, năm 1980, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, gia đình bà đã xung phong vào Đức Cơ xây dựng kinh tế mới. Những năm tháng ấy, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng bà vẫn quyết tâm bám trụ nơi vùng đất mới. Và thành quả lao động miệt mài ấy là một mô hình kinh tế vườn với đủ các loại cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà Tiến thu trên 500 triệu đồng từ hơn 10 ha cây trồng các loại như: cà phê, hồ tiêu. Bà Tiến cũng giúp đỡ những đồng chí, đồng đội còn khó khăn bằng cách hỗ trợ sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở.    

Tại thôn Quyết Thắng (xã Ia Din), nói đến gia đình cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đức Trọng-Nguyễn Thị Siêu thì nhiều người đều biết đến bởi tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu. Trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, ông Trọng chia sẻ, giai đoạn 1969-1975, ông bà cùng là thanh niên xung phong tham gia tải lương, tải đạn, mở đường, san lấp hố bom ở vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị. Chính trong những năm tháng ấy, ông bà đã nên duyên vợ chồng. Chiến tranh kết thúc, ông bà trở về địa phương và bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Năm 1987, gia đình ông chuyển vào Đức Cơ lập nghiệp. Sau  bao nhiêu năm nỗ lực, ông bà đã tạo dựng được mô hình kinh tế vườn cho thu nhập cao.

Từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm khốc liệt của chiến tranh, giờ đây, những cựu thanh niên xung phong ở huyện biên giới Đức Cơ vẫn giữ nguyên tinh thần, phẩm chất đó trong thời bình. Họ tiếp tục thể hiện tinh thần xung phong trên mặt trận mới, giúp nhau làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội nơi biên cương Tổ quốc.

 Minh Châu

Có thể bạn quan tâm