Mắc bệnh mãn tính, cựu Phó giám đốc Công ty CP dược phẩm Cửu Long đã tử vong trước khi tòa xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Dự kiến sáng mai 21.11, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Tổng công ty CP dược phẩm Cửu Long (viết tắt là Dược phẩm Cửu Long) gây thiệt hại 3,8 triệu USD tài sản nhà nước.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị xét xử tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: Nam Sơn |
Trong vụ án, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên, cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Phạm Thị Minh Nga, cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cùng bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại Dược phẩm Cửu Long cùng bị xét xử tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó tổng giám đốc; Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, đều là cựu cán bộ.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày, do thẩm phán Nguyễn Quang Huy làm chủ tọa. Có 16 luật sư tham đăng ký bào chữa cho 9 bị cáo, riêng cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có 2 luật sư.
Để phục vụ xét xử, tòa cũng triệu tập một số tổ chức, cá nhân, trong đó có đại diện Bộ Y tế và đại diện Dược phẩm Cửu Long.
Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên tòa, luật sư Võ Hồng Hiền, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Tòng, cho biết thân chủ của mình đã tử vong do mắc bệnh mãn tính.
Theo cáo trạng, năm 2005, dịch Cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt Dược phẩm Cửu Long và một số đơn vị khác sản xuất thuốc Oseltamivir để phục vụ việc phòng chống dịch. Một năm sau, trong quá trình đàm phán, Dược phẩm Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá mua nguyên liệu với tổng số tiền hơn 3,8 triệu USD. Sau đó ông Lương Văn Hóa đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ, giấy tờ nhằm che giấu việc giảm giá nhằm mục đích bỏ ngoài sổ sách khoản tiền này.
Cáo trạng xác định, thời điểm xảy ra vụ án, ông Quang đang là trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir nhưng khi phát hiện Dược phẩm Cửu Long giữ lại hơn 3,8 triệu USD, bị can này đã không báo cáo Bộ Y tế và không chỉ đạo các đơn vị kiểm tra.
Khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền trên, cựu Thứ trưởng Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện yêu cầu kiểm tra để thu hồi tài sản cho nhà nước, dẫn đến thiệt hại hơn 3,8 triệu USD.
Theo Trần Cường (TNO)