Cựu chiến binh Đặng Thái Học: Giỏi làm kinh tế, nhiệt huyết với phong trào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến thăm gia đình cựu chiến binh Đặng Thái Học (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku), nghe ông kể chuyện cuộc đời, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu. 
Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Đặng Thái Học rời quê nhà (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) để lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau giải phóng, ông được đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội). Năm 1978, ông tốt nghiệp và được giữ lại làm giáo viên dạy chính trị tại trường. Giai đoạn 1979-1980, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị thương tật 71%. Sau đó, ông phục viên trở về sinh sống cùng gia đình tại Thái Bình.
 Ông Học bên ao cá của gia đình. Ảnh: H.P
Ông Học bên ao cá của gia đình. Ảnh: H.P
Năm 1996, ông cùng gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Thời gian đầu trên vùng đất mới, ông không khỏi bỡ ngỡ do thiếu kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, ông đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của những người thành công ở nhiều nơi rồi chọn trồng cà phê kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Nói về quá trình lập nghiệp đầy khó khăn của mình, ông Học cho biết: Trước đây, đất đai của gia đình ông rất cằn cỗi, phải bỏ bao công sức cải tạo mới trồng được cà phê. Để lấy ngắn nuôi dài, ông đào hơn 150 m2 ao để thả các loại cá: chép, trắm, rô phi... Ông trồng cỏ, tận dụng lá mì, thân cây chuối làm thức ăn cho cá. Hiện nay, với hơn 2,7 ha cà phê và ao cá, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi gà thả vườn. Hàng năm, đàn gà cũng đem lại cho gia đình ông cả trăm triệu đồng. 
Nhờ cần cù lao động, mảnh đất cằn cỗi ngày nào của gia đình ông giờ đã trở thành mô hình vườn-ao-chuồng hiệu quả. Cuộc sống khấm khá, ông có điều kiện lo cho con cái ăn học nên người. Trong 3 người con của ông, hiện 2 người đang làm việc tại Hà Nội, chỉ còn người con trai Đặng Hồng Văn (SN 1985) bị nhiễm chất độc da cam ở nhà cùng ông. Không chỉ là tấm gương sản xuất giỏi, ông Học còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương, nhất là hoạt động của Hội Cựu chiến binh. Ông đã hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh khó khăn để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Nói về ông Đặng Thái Học, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Đa Đoàn Xuân Thu nhận xét: “Cựu chiến binh Đặng Thái Học không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn gương mẫu, nhiệt tình trong các phong trào. Mô hình phát triển kinh tế của ông Học hiện có nhiều người học tập, làm theo”. Cũng theo ông Thu, ông Học nhiều lần được Hội Cựu chiến binh các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.