Cựu chiến binh Kông Chro giúp nhau làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi huyện Kông Chro, Gia Lai đã trở thành “ngôi nhà chung” để các thành viên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình kinh tế của các thành viên Câu lạc bộ, ông Phạm Tàu-Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi huyện Kông Chro-cho biết: Câu lạc bộ được thành lập năm 2015 với 5 thành viên. Ngay khi mới thành lập, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã bám sát các chỉ tiêu hoạt động của Hội CCB huyện để từng bước ổn định và điều hành Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, hàng năm, Câu lạc bộ đều tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, động viên các thành viên đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình theo hình thức đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; đồng thời, tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình trồng cây ăn quả như xoài, nhãn, chuối, mít của các hội viên tiêu biểu để học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các thành viên và hội viên Hội CCB. Nhờ đó, các thành viên trong Câu lạc bộ đã mạnh dạn lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình.
 Ông Ngô Công Đoan-Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh (bìa phải) trao chứng nhận hội viên đạt danh hiệu CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh. Ảnh: Đ.K
Ông Ngô Công Đoan-Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh (bìa phải) trao chứng nhận hội viên đạt danh hiệu CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh. Ảnh: Đ.K
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian qua, CCB Nguyễn Văn Tuấn (thôn 10, xã Yang Trung) đã từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển ổn định. Đặc biệt, kể từ khi tham gia Câu lạc bộ, ông Tuấn đã mạnh dạn áp dụng những kinh nghiệm học được để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi nên thu nhập của gia đình đã tăng lên 300-500 triệu đồng/năm. Ông Tuấn cho biết: “Gia đình tôi vào Yang Trung lập nghiệp theo diện kinh tế mới từ năm 1999. Lúc mới vào, gia đình còn gặp nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, nhận thấy vùng đất này giàu tiềm năng phát triển kinh tế, mọi người trong gia đình đã động viên nhau nỗ lực lao động sản xuất để tạo thu nhập. Ban đầu, với 5 sào đất được Nhà nước cấp, gia đình tôi chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày như đậu xanh, bắp. Hàng năm, sau khi bán sản phẩm, gia đình tôi đều tích góp lại rồi mua đất mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã có 11,5 ha đất trồng mía, na, nhãn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi 300-500 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên 16 lao động tại địa phương với thu nhập 3,5-5 triệu đồng/người/tháng”.
 Cũng như CCB Nguyễn Văn Tuấn, từ khi tham gia vào Câu lạc bộ, CCB Bùi Thanh Hùng (thôn 9, xã Chơ Long) đã áp dụng những kinh nghiệm học được vào chăm sóc vườn cây nên năng suất đạt cao hơn. Cùng với tiền bán sản phẩm, gia đình ông còn 6 lần được vay vốn từ nguồn quỹ của chi hội CCB thôn 9 với tổng số tiền 120 triệu đồng để mua đất mở rộng diện tích sản xuất. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông lãi trên 300 triệu đồng. Hàng năm, ông dành 10-20 triệu đồng hỗ trợ các CCB nghèo trong chi hội vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất. Nhiều hộ nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả vào sản xuất, chăn nuôi nên đến nay đã thoát nghèo, góp phần cùng chi hội CCB thôn 9 xóa thành công hộ hội viên nghèo.
Nhận thấy Câu lạc bộ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong phát triển sản xuất, thời gian gần đây, nhiều hội viên CCB trong huyện đã xin gia nhập. Đến nay, Câu lạc bộ có 20 thành viên, hầu hết đều có kinh tế khá với thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, 2 CCB có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; 7 CCB có thu nhập 200-500 triệu đồng; số còn lại thu nhập 100-200 triệu đồng. Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: Từ chỗ kinh tế phát triển, các thành viên trong CLB đã có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, huyện như tạo việc làm cho lao động địa phương, hỗ trợ CCB nghèo vay vốn phát triển sản xuất để tránh phải vay nặng lãi, đóng góp tiền làm đường giao thông trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên trong Câu lạc bộ cũng rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Câu lạc bộ là nơi để các CCB tham gia sinh hoạt, trao đổi và hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm để vươn lên làm giàu. Do đó, Câu lạc bộ không giới hạn về số lượng, nếu CCB nào có nhu cầu tham gia chúng tôi đều rất hoan nghênh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các buổi sinh hoạt để các thành viên có dịp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; đồng thời tổ chức cho các thành viên đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu để học hỏi kinh nghiệm nhằm phát triển sản xuất đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế cao”-ông Phạm Tàu cho biết.
 ĐỨC KIÊN

Có thể bạn quan tâm

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.