Cựu cán bộ Đoàn trồng keo lai giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh Võ Ngọc Giàu-cán bộ Phòng Thi đua Văn thể Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty-cùng với bạn bè thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp để trồng cây keo lai. Ngoài lợi ích kinh tế, HTX còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo việc làm cho người dân.

Đầu năm 2017, tỉnh có chủ trương thu hồi đất rừng bị người dân lấn chiếm giao cho các doanh nghiệp, tổ chức để trồng rừng. Theo đó, huyện Chư Pưh có khoảng 7.000 ha đất rừng bị lấn chiếm và đồi trọc có thể chuyển sang trồng rừng. Ngay năm đầu tiên làm thủ tục xin cấp đất trồng cây keo lai, HTX của anh Võ Ngọc Giàu đã được giao 20 ha đất. Dù kế hoạch huyện giao trong năm trồng 10 ha, nhưng đến hết tháng 10-2017, HTX đã trồng được 20 ha.

 

Anh Võ Ngọc Giàu bên vườn hồ tiêu lai của mình. Ảnh: H.Đ.T
Anh Võ Ngọc Giàu bên vườn hồ tiêu lai của mình. Ảnh: H.Đ.T

Theo anh tính toán, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta trong cả chu kỳ 5 năm khoảng 30 triệu đồng, trong đó phía huyện hỗ trợ 50% chi phí. Sau khi thu hoạch, HTX được hưởng toàn bộ lợi nhuận. Tuy nhiên, đi kèm với đó là trách nhiệm quản lý đất đai, giữ rừng, chống cháy và nhất là tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng. “Với đà này, năm 2018, HTX sẽ trồng thêm 150 ha và các năm tiếp theo mỗi năm sẽ trồng mới 300-400 ha. Cứ 5 ha thì chúng tôi sử dụng 1 lao động cho việc chăm sóc và bảo vệ rừng”-anh Giàu cho biết.

Anh Võ Ngọc Giàu thông tin thêm: “Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành thu tỉa từng năm song song với việc trồng rừng trong suốt 10 năm. Như vậy sẽ luôn có nguồn thu của năm trước bổ sung cho năm sau. Theo tính toán, mỗi héc-ta sẽ có lãi từ 50 triệu đồng trở lên”. Khi được hỏi lý do chọn làm kinh tế bằng cách trồng rừng, anh Giàu cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế không cao nhưng lại bền vững và thân thiện với môi trường. Trong khi đó, những mô hình kinh tế truyền thống không còn an toàn vì sâu bệnh nhiều, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên mức độ rủi ro là khá cao.

Vài năm gần đây, nhiều vườn hồ tiêu bị bệnh chết dần. Trước tình hình đó, anh Võ Ngọc Giàu cũng đã bỏ công tìm kiếm giống hồ tiêu mới để thay thế giống cũ. Đầu năm 2017, thông qua bạn bè, anh được biết đến mô hình trồng giống hồ tiêu lai Sri Lanka nhập khẩu từ Thái Lan. Không chần chừ, anh đến tìm hiểu rồi mua giống này về trồng gần 1.000 trụ trên diện tích đất của cha mẹ cho. Anh cho biết, qua 4 tháng theo dõi, vườn hồ tiêu đang phát triển rất tốt, kháng bệnh tốt, cho năng suất rất cao.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm