Cùng Việt Nam vượt qua đại dịch kỳ 3: Việt Nam sẵn sàng trở lại!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những thành tựu đáng kể trong ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận cả về thành tựu kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng kêu gọi cần đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine trong thời điểm có tính quyết định hiện nay.

Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 ngày 5-6. Ảnh: TRẦN HẢI
Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 ngày 5-6. Ảnh: TRẦN HẢI
Đặt người dân làm trung tâm
Với những thành tựu đáng kể trong ứng phó với đại dịch, Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội lấy con người làm trung tâm. Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tháng 12-2020 đã cho thấy, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm ở mức cao trên thế giới. Đáng chú ý, là Việt Nam vào Nhóm phát triển con người cao với mức độ bất bình đẳng trong thu nhập trên các vùng miền, tầng lớp (GNI) tương đối thấp. Hệ số này của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019 và là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được. Báo cáo HDI năm 2020 sử dụng số liệu của năm 2019 và chưa đưa vào các thành tựu đáng kể trong ứng phó với đại dịch Covid-19 mà nhờ đó tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức dương trong khi với nhiều nước là âm, đồng thời hàng nghìn người đã được cứu thoát khỏi mắc bệnh, nên các chuyên gia đều đánh giá lạc quan về triển vọng HDI của Việt Nam trong những năm tới. Theo Trưởng đại diện thường trú UNDP, bà Caitlin Wiesen, Việt Nam đang ở thời điểm có tính quyết định trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo. 
Tháng 4-2020, giữa làn sóng dịch thứ hai bùng phát, 77 Tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Trung tâm Dữ liệu phi chính phủ nước ngoài - Liên hiệp Hữu nghị (VUFO-NGO Resource Center) đã gửi thư chung tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong đó bày tỏ sự biết ơn, đánh giá và ủng hộ các biện pháp chống dịch hiệu quả và chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để chăm lo, bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19. “Giống như cộng đồng quốc tế, chúng tôi thật sự ấn tượng với những biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng để chống lại dịch Covid-19 trong thời gian qua”, lá thư viết, “Các bệnh viện và phòng khám tại Việt Nam đều đã coi việc chăm sóc sức khỏe và sự an toàn cho người dân cao hơn vấn đề lợi ích. Chúng tôi cảm ơn những nhà khoa học, bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế đã làm việc không kể thời gian để kiểm tra sức khỏe cho hàng nghìn người và chăm sóc cho những bệnh nhân mắc Covid-19. Bộ Y tế, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã huy động mọi nguồn lực cần thiết nhằm cách ly những người mắc Covid-19 hoặc có nguy cơ mắc. Tất cả những trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19 đều được cách ly, nhập viện và được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp và đầy nhân văn, dù đó là người Việt Nam hay nước ngoài”.
Chiến lược vaccine và hướng tới mở cửa kinh tế
Vừa qua, trong khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, các thành viên EuroCham đã đánh giá cao mục tiêu đầy tham vọng tiêm chủng cho 75% dân số, là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế. Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany coi “Việt Nam là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19”, song cũng nêu bật yêu cầu cần nhanh chóng triển khai các nỗ lực tiêm chủng đại trà trong lộ trình phục hồi kinh tế. Gần một năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thu những kết quả rất tích cực ban đầu bất chấp tác động của dịch bệnh, bởi vậy Đại sứ Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cũng hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng rộng rãi để sớm ngăn chặn dịch bệnh, ông cũng cho biết sẵn sàng kết nối, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất từ châu Âu. TS Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Ở Đức, tiến độ tiêm chủng có tính quyết định đối với sự phục hồi kinh tế. Vì lý do này, chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ các đối tác của chúng tôi như Việt Nam làm mọi cách để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình tiêm chủng”.
Việt Nam đã được xem là một hình mẫu tiêu chuẩn toàn cầu về phòng, chống Covid-19, song cũng đang đứng trước thách thức hiện nay là phải kết hợp những thành công đã có với một chương trình tiêm chủng mở rộng. Trên thực tế, “chiến lược vaccine” đã trở thành một trong những chủ đề xuyên suốt kể từ sau Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 được ban hành ngày 18-5. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa nhằm mục tiêu xuất khẩu.
Tại Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 ngày 5-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc động nói: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Thật vậy, đây là lúc sức mạnh đoàn kết dân tộc trở thành động lực giúp đất nước vượt qua đại dịch. Sau lời kêu gọi ủng hộ Quỹ Vắc-xin, trên khắp mạng xã hội, một “chiến dịch của lòng dân” với những hình ảnh chụp màn hình hay giấy chứng nhận ủng hộ quỹ, là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của người dân đồng hành cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn. Đó không chỉ là sự ủng hộ của cá nhân, mà còn là các tổ chức, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài và toàn thể cộng đồng người Việt Nam dù là ở trong hay ngoài nước. Đây có lẽ là một trong những đợt vận động đóng góp ủng hộ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, Nhà nước Việt Nam đã từng bước đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng hành động, thể hiện sự dứt khoát, nhất quán từ trung ương xuống địa phương. Từ lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” vào cuộc họp Chính phủ đầu năm 2020, đến những nghị quyết “vì dân” trong tình hình diễn biến khó lường của đại dịch. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chi phí cho các đối tượng. Ngày 5-1-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã nghiên cứu các phương án thực hiện hộ chiếu vaccine, trong đó đề xuất nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì về nước; Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh; và Nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế.  
Đến nay, Việt Nam đang xem xét hộ chiếu vaccine, chuẩn bị phương án mở cửa đường bay quốc tế, tiến hành tiêm chủng quy mô rộng, trong khi đó vẫn đẩy mạnh xuất khẩu và liên kết hợp tác quốc tế trong điều kiện mới. Trong những ngày “chống dịch như chống giặc”, những xe chở vải thiều vẫn đỏ rực các tuyến đường ở Hải Dương, Bắc Giang... Với một tinh thần Việt Nam quyết tâm đến vậy, những “hành lang xanh” được mở ra ưu tiên đưa nông sản tiêu thụ khắp mọi miền Tổ quốc. Ở châu Âu, Nhật Bản, Malaysia hay Mỹ, Australia… những lô vải thiều đến từ Việt Nam góp mặt trong các siêu thị theo đường chính ngạch, với chiếc tem “nhỏ nhưng có võ” dán nhãn xuất xứ từ Việt Nam, như sự khẳng định thương hiệu, chất lượng và được người tiêu dùng thế giới đón nhận, nâng niu. 
Trong hơn một năm thế giới gần như đóng băng giữa đại dịch, Việt Nam đang chuẩn bị để sẵn sàng cho ngày trở lại. Không chỉ là mở rộng vòng tay với những người đến và ở lại, Việt Nam cũng đang từng bước mở lại cánh cửa ra thế giới một cách an toàn và chắc chắn. 
Theo THANH TÂM, VŨ ANH, VIỆT HÙNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.