Cùng Việt Nam vượt qua đại dịch kỳ 2: Một Việt Nam an toàn trước đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà báo Amiad Horowitz nghiên cứu chuyên ngành lịch sử Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, anh sống ở Hà Nội đã tám năm. Đã trải qua bốn “làn sóng” dịch bệnh tại đây, người đồng nghiệp Mỹ luôn dành những lời đánh giá cao khi chia sẻ về cách tiếp cận với cuộc khủng hoảng Covid-19 của Việt Nam. 
Cục Quản lý xuất nhập cảnh phân luồng giải quyết thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh phân luồng giải quyết thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Người dân an toàn là trên hết
“Theo tôi, cách tiếp cận của Việt Nam rất tuyệt vời và cho thấy Chính phủ đã đặt nhu cầu và cuộc sống của người dân lên trên hết, đúng nghĩa là ở vị trí đầu tiên. Các cơ quan chức năng không ngừng tìm biện pháp phù hợp để cân bằng giữa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân”, anh nói thêm: “Sống ở Việt Nam khi dịch bệnh bùng phát, bạn bè và gia đình tôi ở Mỹ đã rất lo lắng. Mọi người gọi điện, nhắn tin hỏi về tình hình ở đây. Và tôi nói rằng mình đang ở nơi an toàn nhất trên thế giới”.
Đứng trước câu hỏi Việt Nam đã ứng phó với đại dịch thế nào, nhà báo Mỹ cho rằng “Chính phủ và người dân Việt Nam đã coi việc ngăn chặn sự lây lan của virus là ưu tiên số một ngay từ ngày đầu, mọi thứ khác đứng thứ hai”. Amiad kể ra các biện pháp chống dịch hiệu quả áp dụng trên cả nước, như việc đặt khẩu trang và nước rửa tay miễn phí ở mọi nơi; siêu thị miễn phí cho người nghèo, máy ATM gạo… Khi virus lan rộng hơn, những người trong diện theo dõi đều tình nguyện hoặc đồng thuận với cơ quan chức năng để đến các khu cách ly tập trung. Sự chủ động này khác xa với những gì xảy ra ở quê hương anh, nơi ngay cả những thành phố nổi tiếng với mức sống hàng đầu thế giới như “trái táo lớn” New York, thủ đô Washington D.C… cũng đều trải qua những ngày chứng kiến con số thương vong đáng tiếc. Amiad còn là tác giả của bài viết đáng chú ý “Sống sót qua đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, đất nước an toàn nhất thế giới” trên tờ People World (Nhân Dân Thế giới). 
Anh chia sẻ: “Đứng trước dịch bệnh, Việt Nam đã đặt người dân lên hàng đầu, đó là hướng đi đúng đắn. Chính phủ đã nhanh chóng nhận ra “ranh giới mong manh” của việc cân bằng các biện pháp bảo đảm an toàn, đồng thời còn phải bảo đảm các hoạt động đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Khi nhìn lại cách xử lý ở Mỹ và so sánh với Việt Nam, tôi nhận thấy sự khác biệt nổi lên ở đây chính là cách tiếp cận tập trung vào giá trị nhân văn. Các quốc gia khác đã đặt nhu cầu của các nhà tư bản và các doanh nghiệp lớn lên trên hết và vì vậy họ gần như đã phải “trả giá”. Tôi vô cùng thoải mái khi được ở lại Việt Nam trong đại dịch, và tôi còn thấy may mắn và biết ơn vô hạn vì được hưởng lợi từ chính sách ứng phó đại dịch đúng đắn này. Việt Nam đối với tôi là một trong số những đất nước an toàn, nếu không nói là an toàn nhất thế giới trong đại dịch”.
“Trong liên tưởng của nhiều người lớn tuổi ở Mỹ, nhắc đến Việt Nam là họ nghĩ đến máy bay trực thăng bay lượn trên cánh đồng, làng mạc rực cháy, tiếng súng nổ… nhiều người trẻ xem trên phim Hollywood cũng vẫn cho rằng Việt Nam là một nước nghèo, đang phát triển, hình ảnh đầu tiên mà họ nghĩ đến là những người phụ nữ cao tuổi đội nón lá đạp xe qua các vùng quê vậy”, song theo Amiad, đó là những nhận thức đã cũ và cần được cập nhật. Đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc trong những năm qua. Chẳng hạn trong ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vì dịch Covid-19, cũng giống như ở các quốc gia khác cung cấp các khoản hỗ trợ kinh tế cho người dân, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những người bị thiệt hại về kinh tế do đại dịch.
“Trên hết là chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hành động quyết liệt ngay từ sớm, nên thời gian phải phong tỏa giữa các lần bùng phát càng nhanh chóng. Ưu tiên số một là cứu sống bệnh nhân và ngăn chặn sự lây lan của virus. Tất cả điều này chứng minh cho việc lấy người dân làm trung tâm và mọi thứ khác đều đứng thứ hai, bao gồm cả yếu tố kinh tế. Giờ đây, dưới sự chỉ đạo của chính phủ phải kiểm soát các biện pháp chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trở lại bình thường và nền kinh tế dự báo tăng trưởng tốt”, nhà báo Mỹ Amiad Horowitz cho rằng, đó chính là sự thể hiện của chính sách lấy con người làm trung tâm, hay nói cách khác chính là tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn luôn duy trì. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận là cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc, cả Chính phủ và người dân vẫn hết sức thận trọng trước sự bùng phát của virus trong làn sóng dịch bệnh thứ tư hiện nay.
Tuân thủ quy định của địa phương
Khi được hỏi về các vấn đề về thị thực và xuất nhập cảnh của Việt Nam, nhà báo Amiad cho biết, mình nắm rõ các quy định của địa phương, đây là một kỹ năng sống còn của những người làm việc ở nước ngoài. Dữ liệu từ nghiên cứu của YouGov cũng cho thấy 81% lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cho biết họ nắm rõ các quy định hiện hành, với 33% ở mức “tạm được”, 33% “khá rõ” và 15 % nắm “rất rõ” các quy định về việc nhập cảnh Việt Nam. 
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC), Bộ Công an, dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến hầu hết các mặt của kinh tế - xã hội, trong đó, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam giảm đáng kể, so với năm 2019 giảm khoảng 70%. Năm 2019 có gần 19 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì trong sáu tháng đầu năm 2021 chỉ có gần 190 nghìn lượt người nước ngoài nhập cảnh. Đại tá Đặng Tuấn Việt, Trưởng phòng quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, Cục QLXNC cho biết: “Đến nay, mặc dù nhiều nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thời gian tới còn tùy thuộc diễn biến dịch của các nước và công tác kiểm soát dịch bệnh ở trong nước, nếu có tăng đột biến chỉ xảy ra  sau khi các nước công bố hết dịch”. 
Trả lời câu hỏi của Thời Nay về công tác quản lý xuất nhập cảnh với người nước ngoài, Cục QLXNC cho biết, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, thăm thân nhân bị mắc kẹt, chưa thể về nước. Xuất phát từ tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TTCP và của lãnh đạo Bộ Công an, Cục QLXNC đã đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp, chủ trương, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không có cơ quan, tổ chức trong nước bảo lãnh như nhập cảnh theo diện miễn thị thực, sử dụng thị thực điện tử, chưa thể xuất cảnh thì các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam có thể trực tiếp bảo lãnh, đề nghị gia hạn tạm trú cho công dân của họ; người nước ngoài nhập cảnh từ 1-3-2020 theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch chưa thể xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được áp dụng “tự động gia hạn tạm trú”, họ không phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục gia hạn tạm trú. Trên thế giới, một số nước như Nga, Hàn Quốc, Italia, Argentina… cũng áp dụng chính sách “gia hạn tự động” như trên nhằm hỗ trợ người nước ngoài bị mắc kẹt do dịch Covid-19.
Phó Cục trưởng QLXNC, Đại tá Trần Văn Dự khẳng định: “Việc khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong bạn bè quốc tế, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đồng thời vẫn bảo đảm công tác quản lý, ngăn chặn người nước ngoài cư trú trái phép. Cục QLXNC đã nhận được nhiều công hàm cảm ơn của cơ quan đại diện ngoại giao nhiều nước như Nga, Australia, Mỹ, Ukraine, Thái-lan, Thụy Điển, Phái đoàn Liên hiệp châu Âu… vì đã hỗ trợ công dân của họ trong các thủ tục về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú trong giai đoạn dịch Covid-19”.
Đại diện Cục QLXNC cũng cho biết, Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Qua gần một năm triển khai thực hiện, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đánh giá các quy định của Luật số 51 đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc mời, bảo lãnh, đề nghị cấp các giấy tờ cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam; tạo thuận lợi, ưu đãi cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. 
(Còn nữa)

Amiad  Horowitz tốt nghiệp ngành sử học ở Đại học Bar Ilan (Israel), là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ và đang cộng tác với tờ People’s World (Nhân Dân Thế giới) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Mỹ.

Theo THANH TÂM, VŨ ANH, VIỆT HÙNG (NDĐT)

https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/cung-viet-nam-vuot-qua-dai-dich-652158/

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.