(GLO)- Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng đang hiển hiện trong cuộc sống của không ít gia đình trên địa bàn thị xã An Khê và các vùng phụ cận của huyện Đak Pơ. Vì vậy, việc Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê đi vào hoạt động sẽ giải quyết phần nào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Nước sạch về khu dân cư
Ông Nguyễn Thanh May-Trưởng thôn An Lợi (xã Phú An, huyện Đak Pơ) cho biết: Do đặc thù địa hình của thôn là nhiều đá nên người dân không đào được giếng. Thôn đã 2 lần phối hợp với một hội từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu địa chất và tiến hành khoan giếng nhưng không thành. Vì vậy, nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho 110 hộ dân của thôn hơn 20 năm qua chủ yếu dựa vào nước mưa, còn mùa nắng thì ra thị xã An Khê mua nước chở về dùng. Khi Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê kéo đường ống đưa nước về các tuyến đường chính thì thôn An Lợi đề nghị hỗ trợ 200 m ống, người dân góp tiền mua 100 m ống còn lại và bỏ công đào đường lắp ống đưa nước sạch về thôn.
Người dân thôn An Lợi (xã Phú An, huyện Đak Pơ) đào đường để lắp đặt đường ống dẫn nước. Ảnh: N.S |
Gần 11 giờ trưa, một nhóm 4 người vẫn miệt mài khoan, đào đất tạo rãnh trên trục đường nhánh thôn An Lợi để lắp ống dẫn nước sạch. Ông Phan Văn Lập (thôn An Lợi) nói: “Hơn 20 năm tôi định cư ở đây là từng ấy năm không có nước sạch để dùng. Đất vườn mênh mông nhưng nguồn nước để phát triển nông nghiệp, chăn nuôi không có, đất không sinh lời nên nhiều hộ dân đã bỏ đi nơi khác. Khi được thông tin về kế hoạch đưa nước sinh hoạt về thôn, các hộ dân rất mừng nên đã tình nguyện đóng góp thêm tiền mua ống và tham gia đào đường lắp đặt đường ống, sớm đưa nguồn nước sạch về dùng”.
Hơn 10 hộ dân thôn 1 (xã Thành An, thị xã An Khê) cũng chung cảnh “khát” nước sạch như người dân thôn An Lợi. Ông Nguyễn Văn Công, một người dân trong thôn, cho hay: Do không có nước máy nên mọi sinh hoạt của 10 hộ dân xóm ông nhiều năm qua phụ thuộc vào nguồn nước từ 3 giếng tập thể. Nhưng nguồn nước này bị nhiễm phèn nên chỉ dùng cho tắm giặt, còn nước uống và nấu ăn thì phải mua nước bình. Bình quân mỗi tháng gia đình ông phải bỏ ra 150.000 đồng mua nước đóng bình. Khi tuyến ống dẫn nước sạch đi ngang qua trục đường chính, ông đã vận động các hộ dân trong xóm góp tiền kéo 65 m ống nối từ trục chính về xóm và lắp đồng hồ đưa nước vào nhà phục vụ sinh hoạt hàng ngày. “Nhu cầu nước sạch bây giờ bức thiết lắm nên người dân sẵn sàng đầu tư. Giờ có nước sạch rồi, chúng tôi rất vui”-ông Công hồ hởi nói.
Cấp nước ổn định 24/24 giờ
Trạm bơm nước cung cấp cho khách hàng. Ảnh: N.S |
Ông Nguyễn Đình Trung-Trợ lý Giám đốc Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê, cho biết: Hệ thống đường ống dẫn nước của đơn vị cơ bản đã phủ đến tất cả các tuyến đường chính ở 10 xã, phường của thị xã An Khê và các xã Phú An, Tân An, Cư An (huyện Đak Pơ). Với công suất cấp nước tối đa đạt mức 20.000 m3/ngày đêm, nguồn nước thô lấy từ lòng hồ thủy điện An Khê-Ka Nak sẽ được đưa vào nhà máy xử lý bằng công nghệ hiện đại nhập từ các nước châu Âu; hiện chất lượng nguồn nước đã được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn. Đến nay, hơn 4.400 khách hàng sử dụng nguồn nước sạch do Công ty cung cấp, tăng hơn 1.500 khách hàng so với thời điểm mới tiếp nhận Nhà máy Nước An Khê cũ. Điều đáng mừng là đến thời điểm này, phần lớn các cơ quan hành chính, đơn vị trường học, cơ sở kinh doanh và rất nhiều hộ dân trong phạm vi cấp nước đã có nước sạch sử dụng.
Đơn vị cũng đề ra mục tiêu năm 2018 sẽ có trên 8.000 khách hàng sử dụng nước sạch do Công ty cung cấp. Để đạt được mục tiêu này, đơn vị đã cắt cử cán bộ, nhân viên phụ trách mảng kinh doanh bám địa bàn, bám sát các hộ dân để triển khai các giải pháp mở rộng số lượng khách hàng sử dụng nước, trong đó có ưu đãi về kinh phí lắp đặt đồng hồ nước. Hiện tại, giá 1 bộ đồng hồ nước là 2,5 triệu đồng nhưng đơn vị chỉ lắp đặt với giá hơn 1,8 triệu đồng.
Cán bộ Công ty Cổ phần nước Sài Gòn-An Khê kiểm tra hệ thống nước vào nhà dân ở thôn Tân Hội (xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: N.S |
Ngoài ra, Công ty thường xuyên duy trì áp lực nước trên mạng lưới, cấp nước ổn định 24/24 giờ. Tại nhà máy cấp nước luôn có bộ phận bảo trì và xét nghiệm chất lượng nguồn nước; các mẫu nước sau xử lý sẽ được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Gia Lai phân tích, so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy định của Bộ Y tế về nước dùng cho sinh hoạt, vì vậy nguồn nước cung cấp đến khách hàng luôn bảo đảm chất lượng.
Ngọc Sang