Phiên tòa xét xử sơ thẩm “siêu lừa” Mai Quý Thọ và những can phạm có liên quan tạm khép lại, nhưng còn đó nhiều điều phải bàn trong quá trình tranh tụng; vai trò, trách nhiệm của bị hại đối với những “bị hại của bị hại” vẫn còn là một khoảng trống (!)
Tranh luận… yếu
Trong phiên tòa xét xử vụ án Mai Quý Thọ, nhiều người có mặt gần như muốn bật… cười vì đại diện Viện Kiểm sát (VKS) có nhiều điểm đuối lý trước lập luận của luật sư (LS). Theo các LS, cách lập luận của VKS truy tố Phạm Thị Én với vai trò đồng phạm còn “non” so với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Én không chối nợ, không bỏ trốn và hẹn trả nợ.
Hơn nữa, VKS căn cứ vào những lời khai và những giấy ký nhận nợ do các bên tự ký nên đề nghị cần giám định các giấy nợ để đảm bảo tính xác thực. Bởi vì cơ quan tố tụng chấp nhận giấy nhận nợ 131 tỉ đồng ghi ngày 4-4-2008 nhưng lại không chấp nhận giấy biên nhận đã trả nợ 131 tỉ đồng cho Phan Thị Hồng vào ngày 30-4-2008. Tại sao cùng một tài liệu, cùng một người cung cấp nhưng vào thời điểm khác nhau sao VKS lại tin vào tài liệu này mà không tin vào tài liệu khác. Đối đáp vấn đề này, đại diện VKS bác bỏ quan điểm của LS vì giai đoạn đầu Én không biết Thọ lừa đảo nên VKS không truy tố. Tuy nhiên, giai đoạn sau, Én đã biết Thọ lừa đảo đưa ra các hợp đồng, dự án (khống) nhưng Én vẫn nỗ lực giúp sức cho Thọ vay nợ, việc giám định các giấy nợ là không cần thiết.
Thọ và Én đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Huỳnh Lê |
Tương tự, Mai Diêu Kiều Trinh bị VKS truy tố là đồng phạm vì có vai trò giúp sức Thọ. Ngược lại, LS không đồng tình quan điểm này. LS. Hồ Ngọc Diệp (Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh) đã trích dẫn ra một số lời khai của bị hại Phan Thị Hồng đều cho thấy không xuất hiện vai trò của Trinh để làm cho bà Hồng tin tưởng tiếp tục giao tiền cho Én và Thọ. Hơn nữa, Trinh chỉ có một lần gặp bà Phan Thị Hồng và viết giấy cam kết bảo lãnh trả giúp Thọ số tiền gần 20 tỉ đồng. Từ đó, LS. Diệp cho rằng đây là quan hệ dân sự. Nếu đã hết thời hạn bảo lãnh mà Hồng không thu hồi được nợ thì tại sao không khởi kiện dân sự đối với Trinh mà tiếp tục cho Thọ vay mượn thêm số tiền lớn những lần tiếp theo.
Điều làm mọi người ngỡ ngàng nhất là khi đại diện VKS cho rằng: Trinh chung sống với Thọ như vợ chồng, mà vợ chồng thì phải biết những gì của người kia đang làm, biết công việc làm ăn của nhau (!). “Đây là một suy đoán mang tính chủ quan. Nguyên tắc của pháp luật hình sự nếu đã là suy đoán thì phải suy đoán có lợi cho bị cáo. Trong trường hợp này có thể Trinh biết và cũng có thể không biết. Trinh chỉ 1 lần gặp bà Hồng và cũng không nhận bất cứ đồng tiền nào từ Hồng... nên chỉ có thể truy tố Trinh tội “Che giấu tội phạm” vì Trinh đã bỏ trốn cùng Thọ”-LS. Diệp lập luận.
Cũng trong phần tranh luận, LS. Hoàng Ngọc Xuân (Đoàn LS tỉnh Gia Lai) đã “điểm” đúng một vài số liệu về tổng số tiền, ngày tháng không chính xác mà VKS truy tố theo cáo trạng. Tuy nhiên, trong cả 3 ngày xét xử không thấy đại diện VKS làm thủ tục đính chính và Hội đồng xét xử cũng không đặt vấn đề này. Sau đó, đại diện VKS thừa nhận đã đính chính lại khi đọc bản luận tội.
Và còn đó những khoảng trống
Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại nhưng còn đó bao điều liên quan đến Phan Thị Hồng. Bởi, tài sản của Mai Quý Thọ chỉ còn hơn 4 tỉ đồng gồm: 2 xe ô tô, một lô đất, 1 căn nhà và một số đồ dùng tuy là hàng hiệu nhưng giá trị không đáng kể như đồng hồ, điện thoại… Như vậy, ngoài án tù chung thân, trách nhiệm bồi thường 51 tỉ 10 triệu đồng chắc chắn không thể thi hành được. Cùng với đó, mặc dù Phạm Thị Én đã cố tình tẩu tán 11 món tài sản bất thành nhưng cũng khó đáp ứng được các khoản vay mà “bị hại” Phan Thị Hồng tuyên bố vỡ nợ trên… 200 tỉ đồng (Én bồi thường cho Phan Thị Hồng 20,164 tỉ đồng- N.V). Theo các cơ quan tố tụng, trách nhiệm này sẽ được xem xét trong một vụ án khác nhưng không biết đến bao giờ. Bản án tuyên có nghiêm khắc nhưng vẫn còn đó bao nỗi thất thần của hàng trăm gia đình lao đao mà “bị hại” Phan Thị Hồng đã trực tiếp đứng ra huy động lấy tiền của họ.
Còn nữa, để tạo niềm tin với Phan Thị Hồng, Mai Quý Thọ được một cá nhân ở Điện lực Gia Lai thảo sẵn cho hợp đồng khống xây dựng lưới điện. Dù không có căn cứ để xử lý hình sự nhưng trách nhiệm xử lý hành chính đối với cá nhân đó đến đâu vẫn chưa đề cập? Đồng thời, bằng hợp đồng khống này, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo- Giám đốc DNTN Đức Tài đã đặt bút ký và sử dụng con dấu của doanh nghiệp mình để tạo điều kiện cho Thọ thực hiện hành vi lừa đảo. Vậy, có phải chăng là sự giúp sức cho Thọ?
Tất nhiên, trong vụ án này rất nhiều điều đáng bàn, nhưng tựu trung xuất phát cũng từ sự hám lợi mà nhiều người lao vào như một con thiêu thân.
Huỳnh Lê