Cố tìm Alien, nhân loại có thể bị xoá sổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc gửi tin nhắn vào không gian mà không biết ai sẽ nhận được có thể là ý tưởng tồi. Điều này có thể dẫn tới một tương lai tồi tệ cho Trái Đất.
Kể từ thế kỉ 19, nhân loại đã bắt đầu dùng đèn điện. Thiết bị này cho tới nay ngày càng tân tiến, tốn ít điện và sáng hơn. Các ngôi nhà, con đường vào ban đêm đều được thắp sáng, con người có thể sinh hoạt bình thường như ban ngày.
Bên cạnh các lợi ích không thể chối cãi về mặt kinh tế xã hội, ánh sáng nhân tạo cũng là nguyên nhân cho nhiều quan ngại. Đầu tiên là ô nhiễm ánh sáng làm rối loạn trật tự tự nhiên các loài vật sinh sống về đêm, hoặc gây lãng phí năng lượng.
 
Đĩa kính viễn vọng vô tuyến của Đài thiên văn quốc gia Arecibo, Puerto Rico. Ảnh: Shutterstock.
Thậm chí, các nhà khoa học còn quan ngại ánh sáng nhân tạo có thể thu hút một số loài khác, giống cách bóng đèn điện thu hút loài bướm đêm. Chỉ có điều, những loài này không đến từ Trái Đất.
Loài người có đơn độc?
Câu hỏi có nền văn minh nào khác ngoài chúng ta tồn tại trong vũ trụ hay không vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, càng tìm kiếm, các nhà khoa học càng tin chắc đâu đó ngoài kia có những sinh vật đang sống, phát triển như chính chúng ta. Chúng có thể rất tiên tiến, cũng có thể chỉ mới ở dạng vi khuẩn.
Nếu một chủng tộc ngoài hành tinh nào đó có tiềm năng công nghệ vượt trội con người, phát hiện chúng ta ở ngay đây, trong dải Ngân hà thì sao? Nhiều kịch bản, bộ phim về đề tài này đã ra đời, mang theo cả quan điểm tích cực lẫn trái chiều. Nhưng hơn ai hết, chính các nhà khoa học mới là những người tranh cãi nhiều nhất về vấn đề người ngoài hành tinh.
Năm 1974, nhà thiên văn vô tuyến Frank Drake sử dụng máy phát vô tuyến mạnh nhất lúc bấy giờ tại Arecibo, Puerto Rico, phát đi thông điệp vào không gian, thông báo sự hiện diện của loài người. Thông điệp này bây giờ cách Trái Đất 45 năm ánh sáng. Dù có nhiều ngôi sao và hành tinh gần chúng ta hơn thế, chúng không nằm trên quỹ đạo phát sóng của Drake.
Thay vì đợi tín hiệu phản hồi, các nhà khoa học đã có thêm nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm những tín hiệu như vậy trong không gian. Khi có nhiều hành tinh được phát hiện xung quanh các ngôi sao khác, hoạt động tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất - viết tắt là SETI - cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
 
Chúng ta sẽ mãi tìm kiếm nền văn minh ngoài vũ trụ, trong lúc ngờ vực đây có phải là việc làm đúng đắn. Ảnh: TNW.
Năm 2015, doanh nhân Yuri và Julia Milner chi 100 triệu USD cho dự án Breakthrough Listen SETI. Họ thuê các đài quan sát để phát hiện tín hiệu "nhân tạo" từ ngoài vũ trụ.
Vũ trụ rộng lớn khôn lường nhưng lạnh lẽo và dường như trống rỗng. Các nhà khoa học bắt đầu tự hỏi tại sao chúng ta chưa hề tìm được tín hiệu của người ngoài hành tinh. Câu hỏi này được gọi là "Nghịch lý Fermi", đặt theo tên nhà vật lý Enrico Fermi.
Trong nhiều cách trả lời cho câu hỏi này, một giả thuyết có vẻ rất hợp lý. Đó là người ngoài hành tinh có thể sợ người ngoài hành tinh khác xâm lược, nên họ chọn cách im lặng.
Ai đang theo dõi chúng ta?
Nhiều nhà khoa học đồng ý việc gửi tin nhắn vào không gian mà không biết ai nhận được có thể là ý tưởng tồi. Sau khi gửi, có thể các nền văn minh ngoài hành tinh không trả lời chúng ta.
Khác với một bài đăng trên Facebook, lời chào hỏi này không thể được gỡ bỏ. Có an toàn không khi nói cho người khác biết vị trí của mình? Xa hơn, liệu có nền văn minh nào đó đã nghe thấy và chuẩn bị hạm đội xâm lược chúng ta?
Các liên lạc vô tuyến của con người, bao gồm điều hướng máy bay, phát sóng truyền hình và Internet, cũng có thể được phát hiện từ không gian. Rất vô tình, con người đã phát đi nhiều tín hiệu nhân tạo mà bất kì nền văn minh tiên tiến nào cũng có thể nhận thấy.
Tuy vậy, gần đây Trái Đất đã "im ắng" hơn nhiều, nhờ cáp quang và các tín hiệu vệ tinh được điều hướng kĩ lưỡng. Trong quá khứ, chúng ta quá khinh suất khi phát đi rất nhiều sóng radio. Bây giờ, khi đã biết "sợ", loài người dần khôn ngoan hơn.
 
Ban đêm ở châu Âu nhìn từ vũ trụ. Ảnh: NicoElNino.
Tuy nhiên, vẫn còn một thứ không thể tránh khỏi “tai mắt” của những kẻ tò mò, đó là đèn LED.
Hình ảnh Trái Đất vào ban đêm cho thấy sự hiện diện của chúng ta thật ngoạn mục. Những thành phố, từng con đường nổi bật bởi đường viền của các lục địa trong ánh đèn. Các giàn khoan dầu rải rác trên biển và những con tàu là đốm sáng li ti khắp đại dương.
Loại ánh sáng này khác với các nguồn sáng dùng đèn sợi đốt cũ, không có quang phổ tự nhiên. Từ đèn natri thủy ngân màu cam hoặc hơi xanh, đến điốt phát sáng trắng (đèn LED), nguồn gốc nhân tạo của phổ ánh sáng hiện đại rất dễ nhận ra bởi một nền văn minh có công nghệ tiên tiến.
Trong những thập kỷ tới, các cơ quan vũ trụ trên Trái Đất sẽ phát triển nhiều phương tiện phát hiện ánh sáng nhân tạo từ các hành tinh xung quanh chúng ta.
Chúng ta có thể thất bại, nếu người ngoài hành tinh tin rằng điều thông minh nhất cần làm nếu muốn sống yên ổn là giữ im lặng và ở trong bóng tối. Mặt khác, chúng ta có thể đã bị nhìn thấy và hạm đội chinh phạt Trái Đất có thể đang trên đường bay đến đây.
Điều này đặt ra câu hỏi: Con người đơn độc trong vũ trụ có phải là một món quà?
Đại Việt (Zing.vn/Theo The Next Web)

Có thể bạn quan tâm