(GLO)- Nhìn từ giác độ văn hóa và lịch sử, cổ vật luôn mang trong mình thông điệp gửi lại cho đời sau. Trong trường nghĩa tương đồng ấy, những cây đại thụ không chỉ như một bức thông điệp giàu giá trị mà bản thân sự sống xuyên thế kỷ còn mang tính nhân văn, đôi khi nhuốm màu huyền thoại và tâm linh.
Trên nẻo đường xuyên Việt, tôi-một lữ khách đã không dưới một lần lặng đắm suy tưởng bên những đại thụ ấy… Có cây đã được công nhận là “Cây di sản” quốc gia, có cây đến nay vẫn chưa được xác định niên đại… nhưng mỗi lần nghiêng mình trước cây, tôi vẫn luôn tự đặt cho mình câu hỏi: là cây đang sống, lại là đại thụ thì mỗi cây hẳn cũng có một số phận, chắc sẽ có những truyền kỳ, giai thoại; vậy cây có “hồn” không nhỉ?
Ảnh: Quốc Ninh |
Từ truyền kỳ cây thị ngàn năm tuổi ở Tràng An
Du ngoạn ở khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tràng An-Bích Động, Ninh Bình-nơi được ví là Vịnh Hạ Long trên cạn, tôi không khỏi xao xuyến khi đắm mình vào những hang động kỳ thú, mà người đời phải thốt lên: “Xuyên Thủy Động Tràng An”. Nơi đây có khoảng 50 hang xuyên thủy mà tại mỗi hang mỗi vẻ đẹp độc đáo riêng. Trong quần thể Xuyên Thủy Động Tràng An có gần 30 cái thung, mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện vào nhau. Nhưng trong cái mông lung thủy mặc ấy lại chứa đầy huyền tích: hang Tối, hang Nấu rượu thời nguyên thủy... Xin khất lần sau để nói về thủy mặc, ở đây chỉ xin được đôi nét về truyền kỳ cây Thị Tràng An.
Hẳn mọi người cũng giống như tôi sẽ không thể không ngưỡng phục đứng bên gốc thị ngàn năm tuổi ở Đền Ông. Truyền tích được ghi trong sử sách, được các cô lái đò thuộc nằm lòng. Chuyện kể rằng thuở xưa, thời vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn vùng Trường An-Bích Động lập lũy trấn giữ và Hoa Lư làm kinh đô, Ngài cũng chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng. Chuyện cũng kể rằng, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà có 7 vị quan đại thần trong triều tự tay khâm liệm đức vua, ngày di quan, quần thần thấy khênh qua cửa chính cung có đến 100 chiếc quan tài bằng đồng (trong đó một chiếc có thi thể vua, còn 99 chiếc quan tài không), rồi được chôn cất theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau khi an táng vua xong, 7 vị trung thần ấy tụ lại với nhau trên một phiến đá, chung nhau uống một chén rượu độc cùng tuẫn tiết vì vua. Cái chết của các vị trung thần đã mang theo cả bí mật về ngôi mộ thật!
Cảm phục nghĩa khí và lòng tận trung của 7 vị trung thần, một viên quan trấn giữ thành Nam, tước hiệu là Đinh Công Tiết Chế đã lập đền thờ và trồng một cây thị ngay bên phiến đá ấy… Cây thị bây giờ vẫn còn, cứ tính theo năm vua Đinh Tiên Hoàng mất, thì tuổi của gốc thị đoán đã ngàn năm có lẻ. Tận nhìn gốc thị, ta thấy những u, những trếu đã bám chặt xung quanh và trùm lên phiến đá “đá níu cây-cây ôm đá” mà thấy hình bóng và khí phách người xưa… Đến nay, mùa thị về cây vẫn sum suê nhiều quả và lạ kỳ thay, một nửa là quả tròn, một nửa là quả vuông. Lớp trước ngã, lớp sau trỗi dậy nối tiếp. Cây thị xưa, nay gốc vẫn còn, cây thị bây giờ là một nhánh hậu duệ nẩy lên từ gốc đó, nếu tính tuổi cũng đã trăm năm…
Tôi đã đứng lặng hồi lâu bên gốc thị ngàn năm, để cảm nhận về sức sống của một loài cây xuyên thiên niên kỷ. Dường như trước mắt tôi như thấy các vị trung quân ngồi đó, tai như nghe vang đâu đây tiếng ngựa hí ngàn năm trước, nhìn u trếu sần sùi của thị như một thông điệp: lòng trung, nghĩa khí của người quân tử sống mãi với thời gian.
Cây thị ở Ninh Bình. |
Đến chuyện tình cây đa-thị
Nếu cây thị ngàn năm ở Tràng An là truyền kỳ lịch sử đẫm chất trung quân, thì 2 cây đa ở Lam Kinh-Lăng tẩm Nhà Lê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa lại có một giai thoại về sự chung tình đầy tính nhân văn và lãng mạn.
Anh Trần Đức Duy- người có thâm niên 28 năm làm hướng dẫn viên tại Di tích Lịch sử Lam Kinh đã say sưa kể cho chúng tôi về chuyện tình cây đa-thị đầy huyền tích. Cây đa-thị có người nói tuổi đã 200 năm, người lại bảo 300 năm, thậm chí còn nhiều hơn… nhưng có một sự thật-thật đến thành huyền thoại, như là cây cũng có hồn, có tình yêu và cũng chung tình như những mối tình đẹp con người chúng ta vậy. Chuyện lưu truyền rằng: Trên 300 năm trước, cạnh môn quan vào Lam Kinh có một cây thị tươi tốt. Rồi tự nhiên có một cây đa mọc bên cây thị. Cây đa lớn rất nhanh cao hơn cây thị, rễ cây đa cứ theo chiều dài năm tháng quấn quýt xung quanh gốc thị, đa ôm thị, thị không nỡ lìa xa đa… Bởi thế, những người trông coi bảo vệ Lăng cũng như dân trong vùng coi đây là điều kỳ lạ và lưu truyền cho đến tận ngày nay về câu “chuyện tình” cây đa-thị ở Lam Kinh.
Đi giữa vẻ thâm u huyền mặc của Lăng, bên tai tôi là những lời kể của người hướng dẫn viên du lịch, đầy truyền cảm, khi trầm khi bổng, cảm giác như đang lạc vào một miền cổ tích. Theo cách ví von của riêng mình, anh Duy gọi cây đa là “chàng” và cây thị là “nàng” đầy tính liêu trai. Khi “chàng” buông rễ xuống chỉ xung quanh “nàng”, những cành tay “chàng” cũng vươn trong không trung không xa để mỗi khi bão tố, hay nắng gắt cành lá của “chàng” ôm ấp che chở cho “nàng” đã mấy trăm năm nay… Dù “nàng” đã lìa trần, nhưng “chàng” vẫn quấn quýt không lìa xa thi thể của “nàng”… Theo lời kể của Duy, khi anh vào làm việc ở Di tích Lịch sử Lam Kinh, hàng năm thị luôn trĩu quả. Năm 2005, bỗng dưng cây thị “ốm” lá ủ rũ rồi khô cành, các nhà chuyên môn đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng bất lực. Năm 2007, cây thị như “ngọn lửa” bùng lên phút cuối, năm ấy thị đâm chồi nảy lộc và ra nhiều quả, hết mùa thị chín, cây thị khô dần đến chết. Đến tận bây giờ “hài cốt” của thị vẫn được cây đa ôm ấp…
Người hướng dẫn viên khu di tích dường như phấn chấn hơn, anh còn đưa chúng tôi thăm và kể về chuyện tình của một cây đa khác cũng trong khu rừng Lam Kinh, ấy là cây đa-hồng. Khác đa-thị, cây đa-hồng, trong thân cây đa tự nhiên một cây hồng mọc lên, cành hồng xen lẫn cành đa... Nhưng đa không ôm được hồng như đa-thị, chỉ mơn trớn thôi, bởi thế người coi lăng giải thích: hồng “không thể” cho ra quả…
Nghe chuyện ly kỳ, lại đứng dưới bóng mát của đa, ngước nhìn lên những rễ đa ôm trọn lõi thị khô, trong tôi bỗng ngân lên câu thơ của một nữ kiếm khách, trong một bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng: “Hỏi thế gian tình ái là chi/Mà đôi lứa thề nguyền sống chết…”. Thì ra cái khát khao của con người là vô tận, gửi gắm tình yêu vào đâu có thể, là ước nguyện nhân văn mãi mãi không thôi.
Lê Đình