Cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Vì vậy, việc nước này mở cửa thị trường trở lại sau mấy năm đóng cửa chống dịch đã mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may… hay các sản phẩm đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch như: thanh long, chanh dây, chuối, sầu riêng.
Các doanh nghiệp trong ngành xi măng, cao su hy vọng sẽ xuất được nhiều hàng hơn khi hoạt động xây dựng được nối lại, nhu cầu cao su khá cao cho sản xuất lốp xe của Trung Quốc. Tương tự, Trung Quốc đang là đối tác tiêu thụ 70% lượng xơ sợi của Việt Nam. Thị trường này hồi phục sản xuất kéo theo nhu cầu sợi tăng, sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sợi Việt Nam tăng kim ngạch.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Sức tiêu thụ của một đất nước hơn 1,4 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước vốn đã bị gián đoạn mấy năm qua vì chính sách “Zero Covid”, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Chúng ta đã thành công trong việc đưa nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mới đây nhất là sầu riêng. Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang quốc gia này cũng đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.
Với 14.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó có hơn 600 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, nhiều loại hoa quả của Gia Lai được người tiêu dùng biết đến như sầu riêng, bơ, xoài, quýt đường, mít, bưởi da xanh, cam, ổi... Toàn tỉnh có 75 mã số vùng trồng rau và cây ăn quả với diện tích gần 5.760 ha được công nhận. Trong đó, 70 mã đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 5.452 ha. Ngoài ra, Gia Lai cũng đã có 21 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số hoa quả xuất khẩu với công suất 615-750 tấn quả tươi/ngày.
Gia Lai đang tập trung phát triển cây sầu riêng với diện tích gần 4.070 ha, trong đó có hơn 1.700 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 14,5 tấn/ha, sản lượng đạt trên 24.870 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ đạt 5.000 ha. Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng của Gia Lai là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ mới 618 ha sầu riêng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chiếm khoảng 7,3% tổng diện tích cây ăn quả trong tỉnh được chứng nhận (8.460,2 ha) là quá thấp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cả doanh nghiệp, nông dân và cơ quan chuyên môn để cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng tầm vị thế cho rau quả Gia Lai khi bước ra sân chơi toàn cầu.
 Tỉnh ủy Gia Lai đã có nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 với những loại hoa quả giá trị cao như xoài, cam, quýt, dứa, nhãn, mít, bơ, sầu riêng, chuối, chanh dây. Dự kiến giai đoạn 2025-2030, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh sẽ đạt 25.000 ha. Cùng với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; liên kết với tỉnh Bến Tre thành lập Trung tâm phát triển cây ăn quả nông nghiệp công nghệ cao diện tích khoảng 80 ha tại huyện Đak Đoa để cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân địa phương và các tỉnh Tây Nguyên cùng 2 nước Lào và Campuchia, Gia Lai sẽ hoàn toàn tự tin trở thành một trung tâm sản xuất cây ăn quả xuất khẩu mạnh của Tây Nguyên khi thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng sang Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zeland…
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.