Cơ hội phát triển từ dự án cao tốc Đắk Nông-Bình Phước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vừa qua, tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước), lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước đã có cuộc làm việc để xúc tiến triển khai dự án cao tốc chạy qua hai địa phương. Dự án được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực Tây Nguyên.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và Bình Phước ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án cao tốc qua hai địa phương
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và Bình Phước ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án cao tốc qua hai địa phương
Phá thế “độc đạo”
Theo ông Lê Diễn, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, đến nay, việc kết nối giữa Đắk Nông đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ có mỗi đường Hồ Chí Minh (QL 14). Trong khi đó, đứng trước nhu cầu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên, việc đầu tư tuyến cao tốc này là hết sức cần thiết.
“Đã đến lúc chúng ta phải làm tuyến cao tốc này để tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và cả Tây Nguyên những năm tới. Muốn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước”, ông Lê Diễn nhấn mạnh.
Phân tích về vai trò của tuyến cao tốc đối với địa phương mình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi khẳng định, Bình Phước xác định, việc đầu tư dự án này sẽ tạo động lực rất lớn để phát triển. Ngay trong quá trình triển khai các bước thực hiện dự án, tỉnh Bình Phước cũng đã xác định quỹ đất, quy hoạch khu công nghiệp gắn kết nhằm phát huy lợi thế tuyến đường này.
Hơn 200 km cao tốc Đắk Nông - Bình Phước
Theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây (cao tốc đường Hồ Chí Minh) đoạn Đắk Nông-Bình Phước có tổng chiều dài 212 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km, quy mô từ 4-6 làn xe.
Điểm đầu tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk và điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành, Đức Hòa (Bình Dương).
Liên quan đến dự án này, tháng 1/2020, Bộ Giao thông-Vận tải đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai công tác chuẩn bị, nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư hợp lý theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông vào cuối tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Việc kết nối giữa Đắk Nông và các tỉnh Đông Nam Bộ hiện chỉ có tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14). Ảnh: Quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Gia Nghĩa
Việc kết nối giữa Đắk Nông và các tỉnh Đông Nam Bộ hiện chỉ có tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14). Ảnh: Quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Gia Nghĩa
Quyết tâm triển khai dự án
Để dự án sớm triển khai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đình Trung cho biết, trên cơ sở đề xuất quy mô thực hiện dự án phía Bình Phước rộng 65 m với 6 làn xe và hệ thống đường gom hai bên, tỉnh Đắk Nông cũng sẽ xem xét, tính toán lại quy mô để phù hợp với toàn tuyến. “Việc triển khai tuyến cao tốc này cũng đã được Đắk Nông đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Khi đã đưa vào Nghị quyết rồi thì phải tập trung vào triển khai”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho rằng, Đắk Nông còn nhiều khó khăn, vì vậy việc làm đường cao tốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ở địa phương. Trong quá trình triển khai, tỉnh mong muốn có thêm sự hỗ trợ của tỉnh Bình Phước. Về phía tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, đồng thời chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan của tỉnh Bình Phước để dự án sớm được triển khai đầu tư…
Trên cơ sở phân tích về quy mô, nguồn vốn, tính cấp thiết của dự án… tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Đắk Nông làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề xuất chủ trương, lập dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Hai địa phương đồng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn giải phóng mặt bằng và việc triển khai đầu tư dự án theo hình thức PPP.  
Theo bài, ảnh: Công Tính (baodaknong.org.vn)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.