(GLO)- Trong gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 3-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta chỉ được phân bổ 3 tỷ đồng. Tuy số tiền này còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi người lao động nghèo, thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh bước đầu tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để mua nhà.
Theo thống kê, tỉnh ta hiện có khoảng hơn 20.000 cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương dưới 3,0 cùng hàng ngàn công nhân, người làm nghề tự do có thu nhập thấp. Nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này hiện nay rất lớn, nhưng với thu nhập hiện tại, họ khó có thể mua nhà.
Ngân hàng Chính sách Xã hội là đơn vị giải ngân gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh: Đức Thụy |
Tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng của một trường đại học đã được 4 năm, chị Hoàng Thị Minh Tâm (ở trọ tại hẻm đường Phù Đổng, TP. Pleiku) đang làm kế toán cho một doanh nghiệp với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. “Với mức lương đó, chi tiêu vun vén sao cho đủ đã là cố gắng lắm rồi, nói chi tới việc dành dụm mua nhà. Cha mẹ tôi không có điều kiện để giúp đỡ, tôi cũng không đủ điều kiện đảm bảo để vay ngân hàng. Vì vậy, tôi rất mong tỉnh có dự án nhà ở xã hội với những chính sách ưu đãi dành riêng cho những người thu nhập thấp như các tỉnh khác. Có như vậy, may ra những người như chúng tôi mới có nhà ở”-chị Tâm bày tỏ.
Cũng đang ở trọ, anh Lưu Minh Tài (dãy trọ số 406 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) cho biết: “Vợ chồng tôi đều từ huyện Krông Pa lên TP. Pleiku làm việc. Vợ tôi làm công nhân Công ty May Nhà Bè, tôi thì làm thợ hồ. Lương vợ tôi thì không bao nhiêu, thu nhập của tôi cũng không ổn định, lại thêm nuôi con nhỏ nên chi tiêu hàng ngày đã khá chật vật, mơ chi đến mua đất mua nhà”.
Nhu cầu thì nhiều, nhưng lâu nay, tỉnh ta chưa có dự án nào liên quan tới nhà ở xã hội. Trong các cuộc họp có liên quan, tỉnh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào mặn mà với lĩnh vực này. Nguyên nhân cũng dễ lý giải bởi các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội của tỉnh gần như chưa có, các gói ưu đãi về tín dụng cũng không. Bên cạnh đó, việc “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” cũng khiến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Cách đây vài năm, Chính phủ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội với thời hạn 10 năm, hưởng mức lãi suất ưu đãi 5%/năm và cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tỉnh ta hoàn toàn không tiếp cận được gói tín dụng này. Năm 2018, Chính phủ lại triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho người nghèo, người thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà ở. Tuy nhiên, gói tín dụng này chủ yếu ưu tiên cho các thành phố lớn, riêng Gia Lai chỉ được phân bổ 3 tỷ đồng.
Theo quy định, người vay vốn từ gói tín dụng này sẽ được hưởng một số ưu đãi như: lãi suất 4,8%/năm (0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, thông tin: “Với 3 tỷ đồng được phân bổ, tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại địa bàn TP. Pleiku, dự kiến cho khoảng 5-7 người vay, mỗi người được vay 500 triệu đồng, 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Đối tượng được vay chắc chắn sẽ phải lựa chọn kỹ càng, căn cứ vào thứ tự ưu tiên theo quy định của Chính phủ”.
Đối tượng được vay vốn gói 1.000 tỷ đồng gồm: người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn nghiệp vụ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong các cơ quan thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức. |
Hà Duy