(GLO)- Ngồi trước mặt tôi là cô giáo mầm non khá trẻ có tên là Cao Thị Bích, vợ của Trung úy chuyên nghiệp báo vụ Trương Công Định. Phảng phất trên gương mặt tảo tần là niềm kiêu hãnh khi được làm nghề dạy trẻ. Chị đưa cho tôi xem lá thư đề ngày 5-10-2002 viết từ nhà giàn Phúc Nguyên 2B của chiến sĩ Trương Công Định. Khi ấy, anh Định đeo quân hàm Thiếu úy mới ra trường. Trong nhiều lá thư gửi về từ biển, có một lá thư chị Bích luôn giữ gìn cẩn thận và coi đó là kỷ vật thiêng liêng. Chị bảo: “Nhờ lá thư này mà em đã vượt qua bao khó khăn trở ngại. Lá thư của chồng em cách đây 11 năm về trước”.
Công việc dạy trẻ của cô giáo Bích ở Trường Mầm non Hoa Mai. Ảnh: Mai Thắng |
Mùa Xuân năm 2002, cô gái Cao Thị Bích (ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) nhận lời làm vợ chàng lính nhà giàn DK1 sau 1 năm “yêu qua thư”. Ngày Thiếu úy Định tạm biệt quê hương trở lại Vũng Tàu để ra nhà giàn làm nhiệm vụ, cũng là ngày Bích trở lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục đèn sách. Khi nghe tin bố người yêu ở quê ốm nặng sau một tai nạn bất ngờ, không ai chăm sóc, Bích đã âm thầm gác lại ước mơ làm cô giáo mầm non để chăm sóc bố người yêu. Bạn bè cùng trang lứa nhìn Bích ái ngại: “Người đâu mà nhiệt tình đến thế”. “Nói thật với anh, lúc đó em cũng buồn nhưng cứ nghĩ đến tình yêu hai đứa dành cho nhau, em lại thấy thương ông cụ. Em đã chấp nhận làm vợ anh ấy”-Bích cười chia sẻ.
Từ một ông lão bị tai biến mạch máu não, dưới sự chăm sóc thương yêu của nàng dâu tương lai, ông cụ đã qua cơn bạo bệnh. Khi biết người mình yêu bỏ học chăm sóc bệnh cho bố mình, từ nhà giàn DK1, Định vô cùng xúc động. Định viết thư về động viên người yêu: “Biết em gác chuyện ước mơ làm cô giáo để chăm sóc cho bố anh, anh vô cùng cảm phục. Anh tin tình yêu sẽ có phép nhiệm màu, ước mơ làm cô giáo mầm non sẽ không bao giờ dập tắt. Em sẽ là vợ anh, hãy đợi anh về em nhé”.
Nhận được thư người yêu, Bích không nén được lòng. Cô viết thư gửi ra nhà giàn cho Định chỉ vẻn vẹn hai dòng: “Đã chấp nhận làm vợ anh thì chăm sóc bố chồng lúc ốm đau là bổn phận của con cái. Một lòng đợi anh”.
Và rồi, cô giáo Cao Thị Bích cùng Thiếu úy Trương Công Định cưới nhau năm 2005. Cưới nhau đã hơn 8 năm nhưng thời gian vợ chồng gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Định liên tục công tác ngoài nhà giàn nên mọi công việc gia đình đều một tay chị lo toan gánh vác. Chị Bích chia sẻ: “Vợ lính bao giờ cũng thiệt thòi. Ngày lễ, Tết hoặc tối thứ bảy, nhìn gia đình họ vợ chồng con cái chở nhau trên xe máy đi chơi, còn mình thì vò võ ở nhà cũng tủi thân lắm. Công việc dạy trẻ luôn bận rộn. Trước khi đi làm cắm sẵn nồi cơm, 11 giờ 30 phút về chỉ kịp cho con ăn, dọn dẹp là đến giờ làm chiều. Con hàng xóm có điều kiện khá giả được bố mẹ đón đưa, còn con em thì chủ yếu là tự đi học, tự về. Tiếng là ở thành phố, nhưng chẳng bao giờ có điều kiện đưa con đi tắm biển. Đồng lương ba cọc ba đồng bó hẹp, tằn tiện lắm mới đủ sống và đóng học cho con”.
Một ngày dạy học của cô giáo Cao Thị Bích bắt đầu bằng bài hát “Chú bộ đội hải quân/ đứng canh ngày canh đêm/ngoài xa vời hải đảo/ áo màu xanh trứng sáo…”, được cô mở từ chiếc đài catsete cho các cháu nghe. Tuy sự cảm nhận của các bé về Trường Sa không như người lớn nhưng khi nhắc đến Trường Sa là các cháu nói ngay: “Đó là chú Bộ đội Hải quân ạ”. “Mỗi lần nhắc đến Trường Sa, tim em luôn lấp lánh hình ảnh anh bộ đội đứng gác ngoài đảo. Ngoài việc dạy cho các cháu tình yêu thương thầy cô, bố mẹ, những người thân gia đình thì dạy cho các cháu tình yêu Tổ quốc là điều quan trọng”-Bích chia sẻ.
Mai Thắng