Ánh mắt cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường Tiểu học và THCS Phù Đổng) đỏ hoe khi nhớ về những ngày đầu tiếp cận với môi trường giáo dục ở vùng biên giới Ia Púch.
Cách đây 20 năm, cô giáo 25 tuổi mang trong mình hoài bão và nhiệt huyết của tuổi trẻ về nhận công tác ở ngôi trường vùng khó của huyện Chư Prông. Trong trí tưởng tượng của cô lúc đó là những tiết học rộn rã tiếng nói cười. Nhưng sự thật đã khiến cô Thủy ngỡ ngàng bởi cô và trò không thể hiểu nhau khi bất đồng ngôn ngữ.
Cô rưng rưng kể: “Tôi đã bật khóc ngay trên lớp bởi thấy bản thân mình thật sự bất lực trước rào cản ngôn ngữ. Trên bục giảng, cô nỗ lực truyền dạy kiến thức. Ở dưới, ánh mắt học trò vẫn tròn xoe ngơ ngác. Cô hỏi, trò lắc đầu. Trò trả lời, cô lại không thể hiểu. Nhiều hôm thấy tôi khóc, các em cũng khóc theo. Sau những lần như thế, tôi càng thương các em nhiều hơn bởi sự thiệt thòi của học trò nơi vùng khó”.
Từ tình thương ấy, cô Thủy quyết định học tiếng mẹ đẻ của học trò để có thể tiếp cận, hiểu và từng bước dìu dắt các em đến với tiếng Việt. Hàng ngày, sau những giờ lên lớp, cô về làng để học tiếng Jrai, Tày, Mông…
Tranh thủ giờ giải lao, cô gần gũi chuyện trò và học tiếng của các em. Khi đã có đủ sự thân thiết và vốn từ để hiểu được trò nói gì, nghĩ gì, cô Thủy bắt đầu tìm phương pháp gần gũi nhất để giúp các em tiếp cận với tiếng Việt. Cô cũng điều chỉnh bài giảng sao cho phù hợp với bối cảnh địa phương theo hướng tăng cường sử dụng các đồ dùng, vật liệu từ văn hóa địa phương như: trang phục, kiến trúc nhà cửa, nhạc cụ dân tộc… Ngoài ra, cô Thủy còn kết nối với phụ huynh thu thập một số tư liệu văn hóa địa phương để lưu giữ và sử dụng trong các giờ học.
“Khi tạo được hứng thú từ những điều gần gũi trong cuộc sống, các em học sinh dễ dàng tiếp thu vốn từ tiếng Việt do giáo viên chỉ dạy. Với tôi, giữa muôn vàn khó khăn của giáo dục vùng khó thì “rào cản” ngôn ngữ chính là điều trăn trở nhất. Chính vì vậy, mỗi năm, tôi đều có kế hoạch giảng dạy cụ thể để cung cấp vốn tiếng Việt cho học sinh DTTS, tạo nền tảng giúp các em học tốt hơn ở bậc học cao hơn”-cô Thủy bày tỏ.
Ở phía cuối sân trường, chúng tôi bắt gặp những cô cậu học trò lớp 1 đang trò chuyện ríu rít quanh cô giáo. Nhanh tay lật giở quyển truyện tranh đầy màu sắc, cậu bé Kpuih Hăc (người Jrai) tươi cười trò chuyện: “Cô giáo dạy em nói và viết tiếng Việt. Nếu em không hiểu, cô sẽ nói bằng tiếng Jrai với em. Ngoài giờ học, em rất thích tham gia những buổi ngoại khóa để được đọc truyện, xem tranh và nghe cô giáo kể chuyện bằng tiếng Việt”.
Nhìn ngắm cậu học trò nhỏ đã tự tin hơn trong giao tiếp, cô Đoàn Thị Thắm không khỏi xúc động. Cô nhắc nhớ: 33 năm công tác trong ngành Giáo dục thì có tới 16 năm gắn bó với học trò lớp 1 ở ngôi trường vùng biên này. Bao nhiêu khó khổ trải qua nay đã được đền đáp bởi sự tiến bộ của học trò.
Còn nhớ, có nhiều đêm, dù làng không điện thắp sáng, cô vẫn dành thời gian đến từng nhà để gặp gỡ, chuyện trò cùng phụ huynh học sinh. Đây cũng là cách để cô gần gũi với các bậc phụ huynh và học tiếng Jrai từ họ. Cũng có những năm học, cô Thắm phải mất gần cả học kỳ để dạy học trò nói tiếng Việt.
Những “quả ngọt” mà cô Thắm nhận được trước hết đó là sự yêu mến, sự tự tin của trò. Trong hành trình của mình, cô đã giúp nhiều em vượt qua “rào cản” để tiếp tục đến với con chữ. Em Kpuih Mai (làng Goòng) là một trong những trường hợp như thế.
Từ nhỏ, Mai đã phải theo mẹ lên rẫy trồng mì. Khi đến tuổi vào lớp 1, Mai vẫn chỉ nói tiếng Jrai. Sau một vài buổi đến lớp, Mai rất buồn vì mình không thể hòa nhập cùng các bạn. Rồi Mai nghỉ học, lên rẫy cùng mẹ.
Biết được hoàn cảnh ấy, cô Thắm đã một mình băng rừng, lên rẫy tìm học trò và xin nhận nuôi Mai để gia đình yên tâm cho con quay trở lại trường. “Tôi hạnh phúc vì Mai ngày một tiến bộ. Không chỉ nói và viết tiếng Việt, Mai còn hỗ trợ các bạn trong lớp. Em luôn là học trò xuất sắc của lớp”-cô Thắm tâm sự.
Biết bao giọt nước mắt, mồ hôi, cả những tâm huyết của cô Thủy, cô Thắm và đội ngũ giáo viên vùng biên đang dần được đền đáp xứng đáng bởi nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng thay đổi tích cực, bà con quan tâm hơn việc học của con trẻ.
Đặc biệt là sự chung tay tháo gỡ “rào cản” ngôn ngữ, giúp trẻ thuận lợi hơn khi tiếp thu kiến thức và tự tin, hòa nhập với môi trường sinh hoạt chung.
22 năm đồng hành cùng tập thể giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phù Đổng trong hành trình xóa bỏ “rào cản” tiếng Việt cho học sinh vùng biên, thầy Ngô Xuân Sơn chia sẻ kinh nghiệm: Tại nhiều ngôi làng, 100% trẻ em người DTTS đều dùng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi đi học, các em rất khó khăn trong việc tiếp nhận tiếng Việt. Đây cũng là điểm mấu chốt dẫn đến việc các em tiếp thu bài giảng bằng tiếng phổ thông từ cô giáo khá chậm.
Thầy-cô giáo rất vất vả trong việc tổ chức buổi học. Ngoài phát âm bằng tiếng Việt, thầy cô còn dùng cả tiếng mẹ đẻ của học sinh để trao đổi. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần xác định trước những loại từ, câu nào sẽ sử dụng, các điệu bộ, cử chỉ để ra hiệu cho học sinh hiểu nội dung muốn truyền đạt của mình. Thời gian đầu thường chủ yếu dạy những từ dễ hiểu và kết hợp với cử chỉ. Ngoài ra, còn sử dụng các biện pháp dạy trẻ học tiếng Việt qua kể chuyện.
Trường Tiểu học và THCS Phù Đổng có 3 điểm trường. Trên 67% học sinh trong trường là người DTTS. Mặc dù bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay nhưng đời sống của người dân còn gặp khó khăn. Đa số học sinh DTTS trong độ tuổi đến trường vẫn chưa nói và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt.
Vì vậy, nhà trường luôn xác định đúng tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho các em. Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học để tăng cường tiếng Việt cho học sinh; giúp các em khắc phục được “rào cản” ngôn ngữ, rèn những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để tự tin trong giao tiếp, trong học tập.
Thầy Phan Thành Tiến-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Nhờ sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ giáo viên, hiện nay, các em học sinh đều đã biết nói tiếng Việt. Do vậy, hầu hết học sinh đã mạnh dạn hơn khi giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường.
Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu phân công những giáo viên có năng lực, nhiệt tình và biết tiếng địa phương để chủ nhiệm lớp 1, đặc biệt là ở các điểm trường. Ngoài ra, nhà trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho tất cả các khối lớp trong tuần.
“Nhà trường tạo môi trường tiếng Việt ở mọi nơi, mọi lúc để học sinh có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm quen và giao tiếp bằng tiếng Việt. Cùng với đó, chủ động trong việc nghiên cứu, triển khai kịp thời, nghiêm túc kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; giảng dạy theo đối tượng vùng, miền; giảng dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Thường xuyên chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù của vùng, miền. Các tổ khối lớp tổ chức các chuyên đề và các điểm trường tiến hành giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”; thành lập Câu lạc bộ Tiếng Việt”-thầy Tiến vui mừng thông tin.
*
* *
Chia tay cô và trò nhà trường, ngoài những nụ cười lấp lánh niềm vui, chúng tôi còn nghe rõ từng câu trong bài thơ “Ngoan” của tác giả Quang Huy do cậu trò nhỏ Kpuih Hăc và các bạn đọc: “Trăng ngoan trăng sáng sân nhà/Đèn ngoan đèn thắp cho bà ngồi may/Nước ngoan rửa trắng bàn tay/Lửa ngoan giúp mẹ thổi đầy nồi cơm/Trái ngoan trái chín đỏ vườn/Gió ngoan gió quạt hương thơm khắp nhà/Biết vâng lời mẹ lời cha/Yêu cô, yêu bạn ấy là bé ngoan”.